|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phát hiện thị trường ngách 'gã khổng lồ' Amazon bỏ qua, chàng trai tạo nên cơ đồ 500 triệu USD trong hai năm

18:43 | 07/07/2019
Chia sẻ
Cung cấp hàng hóa cho các nhà bán lẻ là thị trường ngách mà tập đoàn thương mại điện tử Amazon bỏ qua, và một anh chàng đã tạo nên công ty có giá trị nửa tỉ USD nhờ khai thác thị trường ngách đó.

"Kỳ lân", "rồng" và "đột phá" là những thuật ngữ mang hàm ý "thành công" trong giới khởi nghiệp. Những startup gắn với các thuật ngữ ấy rất hiếm và đòi hỏi mức độ độc đáo rất cao. Thậm chí đôi khi startup cần may mắn để thành công.

Anh chàng làm thuê trước khi khởi nghiệp

Chào đời và lớn lên ở bang Oklahoma (Mỹ), Max Rhodes từng học ở Đại học Yale. Hiện tại anh đang vận hành một sàn thương mại điện tử mang tên Faire với các nhóm cộng sự ở Thung lũng Silicon (Mỹ) và Waterloo (Canada).

Khi vào Đại học Yale, chàng doanh nhân tương lai chỉ quan tâm tới hai thứ: Bóng đá và lịch sử. Theo quan điểm của anh, càng hiểu quá khứ, con người sẽ càng dự đoán hiện tại chính xác và quy luật ấy cũng đúng trong kinh doanh.

Giống như nhiều nhà sáng lập startup ngày nay, Max từng làm thuê. Đầu tiên, anh là chuyên viên tư vấn cho công ty Bain. Hiện tại, 13% trong tổng số hơn 100 nhân viên của Faire từng làm việc cho Bain. 

Từ góc nhìn của Max, Bain là nơi tuyệt vời để xây dựng mạng lưới quan hệ, cũng là nơi mọi người luôn có cơ hội học cách chia nhỏ thách thức để xử lý.

Max-Rhodes

Max Rhodes, người sáng lập sàn thương mại điện tử Faire. Ảnh: Y Combinator

Trước khi thành lập Faire, Max làm việc cho Square, công ty thanh toán di động. Sứ mệnh của Square là đơn giản hóa thương mại điện tử bằng công nghệ. Anh có cơ hội vào Square nhờ mối quan hệ mà anh tạo ra từ những trận đá bóng.

Hành trình khởi nghiệp để khai thác thị trường ngách Amazon bỏ qua

Anh chàng mê đá bóng cùng một số người bạn thành lập chợ trực tuyến Faire sau khi họ phát hiện cơ hội lớn để giúp các nhà bán lẻ và nhà sản xuất địa phương thoát khỏi tình trạng thiếu hiệu quả của mô hình bán buôn truyền thống nhờ công nghệ.

Faire là một sàn thương mại điện tử, cho phép các nhà bán lẻ tìm hiểu và dùng thử sản phẩm từ hàng ngàn thương hiệu độc lập mà không phải chịu rủi ro. Công ty của Max không yêu cầu nhà bán lẻ trả trước tiền hàng và nhà bán lẻ không phải thanh toán phí nếu trả sản phẩm. Cung cấp hàng cho nhà bán lẻ là mảng mà Amazon bỏ qua.

Hơn 25.000 nhà bán lẻ tích cực mua hàng trên Faire trong năm nay từ hơn 5.000 nhà sản xuất cung cấp sản phẩm. Cũng trong năm 2018, công ty đã đạt doanh số 100 triệu USD. Faire giúp các nhà bán lẻ tránh rủi ro hàng tồn kho và tăng tỉ lệ bán hàng của họ lên 75%.

Hiện tại, công nghệ của Faire đã hiện diện tại 30.000 cửa hàng (tương đương với tổng số quán cà phê của Starbucks trên toàn thế giới) và mục tiêu của công ty là tăng lên 100.000 cửa hàng vào cuối năm nay.

Mức định giá nửa tỉ USD sau hai năm

Faire đã gọi vốn thành công tổng cộng 115 triệu USD từ các nhà đầu tư, với hai vòng huy động vốn trong năm 2017 và ba vòng trong năm 2018. Các quỹ đầu tư định giá công ty là 500 triệu USD.

Đầu tư vào công nghệ và các quy trình là cách để các nhóm nhân viên của Faire ở Mỹ và Canada không có cảm giác làm việc từ xa. 

Jeff Bezos 2

Thị trường ngách mà tập đoàn Amazon của tỉ phú Jeff Bezos bỏ qua mang tới cơ hội lớn cho sàn thương mại điện tử Faire. Ảnh: CNBC

Những màn hình tivi lớn, camera ở mọi phòng và hệ thống âm thanh chất lượng cao giúp mọi người có thể thấy đồng nghiệp ở nơi khác dễ dàng trong mọi thời điểm. Cuộc họp toàn thể hàng tuần của họ diễn ra như thể họ đang làm việc cùng một chỗ.

Cứ sau một tháng rưỡi, nhóm phát triển sản phẩm của công ty sẽ họp ít nhất một lần để thảo luận về các vấn đề. Max đến Waterloo mỗi tháng một lần để làm việc.

Max dự đoán các nhà bán lẻ địa phương đang phục hồi khả năng cạnh tranh. Trong 100 năm qua, các nhà bán lẻ địa phương đã phải vật lộn để tồn tại và cạnh tranh với những tập đoàn lớn như Walmart, Target và BestBuy.

Ví dụ, số lượng hiệu sách độc lập đã tăng hơn 10% mỗi năm trong 8 năm qua. Nhiều khu phố chính trên khắp nước Mỹ đang chứng kiến sự hồi sinh của cửa hàng địa phương và người tiêu dùng cũng có xu hướng quay trở lại với cửa hàng truyền thống. 

Nhờ công nghệ mới, những nhà bán lẻ địa phương đang dần giành lại lợi thế của họ trong cuộc ganh đua với các tập đoàn khổng lồ.

Luân Thường