|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Pháp: Doanh số bán hàng thương mại điện tử giảm dần sau đại dịch

13:00 | 06/11/2022
Chia sẻ
Sau hai năm “thăng hoa” chưa từng thấy, doanh thu giao dịch thương mại điện tử năm 2022 của Pháp lần đầu tiên giảm mạnh và có xu hướng trở về với mức tăng trưởng của năm 2019, trước thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát.

 Ảnh minh họa

Phân tích nguồn gốc của xu hướng sụt giảm này, nhật báo Le Monde cho rằng khó khăn kinh tế và thói quen trở lại các cửa hàng truyền thống là những nguyên nhân chính cho xu hướng trên.

Theo số liệu từ Liên đoàn quy hoạch đô thị và phát triển thương mại đặc biệt (Procos), doanh số bán hàng trực tuyến của các thương hiệu từ tháng 1- 9/2022 đã giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2021. Và diễn biến này được thể hiện trên hầu hết các ngành hàng gồm: đồ dùng gia dụng (giảm 3,6%), quần áo (giảm 20,6%), mỹ phẩm và sức khỏe (giảm 21,9%), văn hóa phẩm, đồ chơi và quà tặng (giảm 32,3%)…

Tại Maisons du Monde, một thương hiệu phân phối đồ nội thất và trang trí hàng đầu của Pháp, doanh số bán hàng trực tuyến bình thường chiếm 29%. Nhưng trong quý III/2022, doanh số đã giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 79,6 triệu euro (79,4 triệu USD).

Ngay cả những doanh nghiệp chỉ bán hàng trên mạng Internet cũng chứng kiến sự sụt giảm của doanh thu. Với 8,8 triệu khách hàng, trang thương mại điện tử hàng đầu nước Pháp - Cdiscount thông báo số lượt truy cập vào trang web của họ giảm 7,7% trong quý III/2022 so với cùng kỳ 2021. Số lượng đơn đặt hàng cũng giảm từ 6,4 triệu xuống còn 5,3 triệu, và số lượng sản phẩm bán ra giảm từ 11 triệu xuống còn 8,7 triệu.

Ngoại lệ duy nhất là thị trường giày dép. Lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng tăng trưởng 7,2% trong kỳ báo cáo. Ông Emmanuel Le Roch, Phó trưởng đại diện của Procos, giải thích điều này có lẽ vì những thói quen mới đã hình thành trong đại dịch COVID-19 và các cửa hàng giày có ít trang bán hàng trực tuyến trước đây.

Những thói quen bị đảo lộn

Lạm phát và sức mua suy giảm liệu có phải là điềm báo sự kết thúc cho “thời kỳ hoàng kim” của thương mại điện tử tại Pháp, khi người tiêu dùng quay trở lại với thói quen giao dịch ở cửa hàng như trước thời kỳ dịch bệnh và bắt đầu thắt lưng buộc bụng do kinh tế khó khăn? Liệu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các trang kinh doanh điện tử có phá vỡ các mô hình kinh tế trong thời kỳ lạm phát ?

Về cơ bản, thời kỳ COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Cơ quan điều tra dư luận Wunderman Thompson đã thực hiện các cuộc khảo sát ý kiến người tiêu dùng. Kết quả cho thấy 42% người Pháp đã khám phá ra các thương hiệu và nhà phân phối mới thông qua các giao dịch trực tuyến, bên cạnh với tốc độ gia tăng mua hàng trực tuyến trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh, xã hội hóa công nghệ mới và sự phát triển của mô hình làm việc từ xa.

Còn theo giới kinh doanh điện tử Pháp, có nhiều lý do khác nhau để giải thích hiện tượng này. Bà Florence Lemetais, Giám đốc khách hàng, tiếp thị và phát triển thương mại của tập đoàn Fnac - Darty, cho biết sở dĩ nhu cầu khách hàng có phần chững lại do trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều người Pháp đã tích trữ một số dòng sản phẩm nhất định, nên bây giờ họ chưa có nhu cầu mua mới. Trên thực tế, chỉ có thị trường máy tính đang phát triển rất tốt.

Bên cạnh đó, hình thức mua hàng đa kênh cũng là một lý do được đưa ra. Giống như nhiều thương hiệu khác, hiệu suất bán hàng tại các cửa hàng Fnac và Darty trong quý III đã bù đắp phần nào cho việc củng cố hoạt động giao dịch điện tử. Hơn 47% doanh số bán hàng trên Internet của quý trước là kết quả của quá trình mua hàng đa kênh.

Bà Florence Lemetais lưu ý rất ít khách hàng chỉ mua sắm tại cửa hàng hoặc chỉ mua sắm trên Internet. Nhiều người bắt đầu bằng đặt hàng trực tuyến và kết thúc bằng việc đến lấy đồ tại cửa hàng. Cũng không ít người bắt đầu bằng cách đến cửa hàng gặp nhân viên bán hàng để được tư vấn về các sản phẩm cần mua trị giá trên 500 euro, sau đó trở về nhà để so sánh giá và kết thúc bằng giao dịch mua hàng qua mạng.

Lý do thứ ba, đó là sự trở lại của thói quen truyền thống "trăm nghe không bằng một thấy". Sau thời gian buộc phải mua hàng trên mạng do giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-9, nhiều người Pháp đã quay trở lại với thói quen đi mua sắm trong các cửa hàng. Bà Lemetais cho biết công ty có thêm 5 triệu khách hàng giao dịch điện tử vào năm 2020, những người trước đây chưa hề mua trên trang mạng của công ty. Một số lượng lớn khách hàng này sau đó đã chuyển sang mua ở cửa hàng, khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Ông Marc Lolivier, đại diện Liên đoàn thương mại điện tử và bán hàng từ xa, cho biết sự sụt giảm doanh số bán hàng trực tuyến trong hai quý vừa qua là kết quả của việc mở cửa trở lại của các cửa hàng và sự thay đổi trong chi tiêu cho dịch vụ, và đặc biệt là du lịch. Đáng chú ý là mức sụt giảm 17% trong doanh số bán trong quý II/2022, sau khi doanh số đạt đỉnh vào năm 2021 trong đợt giãn cách xã hội lần thứ ba.

Ông Lolivier cho biết không bất ngờ trước sự sụt giảm trên, bởi vì nó tương ứng với phần doanh số của các cửa hàng buộc phải đóng cửa và chuyển sang giao dịch điện tử trong thời kỳ đại dịch. Theo ông, doanh thu của thương mại điện tử  năm 2021 đã tăng rất cao, bởi vì cả năm đã bị gián đoạn bởi việc đóng cửa hoặc hạn chế giờ làm việc của các cửa hàng. Nếu so doanh số 2022 với năm 2019 (năm trước khi đại dịch bùng phát), có thể thấy hoạt động thương mại điện tử không bị xáo trộn nhiều.

Từ nay đến cuối năm sẽ là thời điểm quan trọng với thương mại điện tử với đợt giảm giá mua sắm “Thứ Sáu Đen” (Black Friday) quan trọng diễn ra vào ngày 25/11, thời điểm phần lớn người Pháp mua sắm quà Giáng sinh. Tuy nhiên ông Lolivier tỏ ra ít lạc quan khi giá cả leo thang và sức mua khủng hoảng trầm trọng.

Theo một nghiên cứu của các nền tảng giao hàng cho thương mại điện tử là ShipStation và Packlink, người tiêu dùng Pháp có kế hoạch giảm 11,5% chi tiêu không thiết yếu cho Giáng sinh và Black Friday tới. Các mặt hàng "gạt sang bên lề" nhiều nhất sẽ là quần áo (29%), đồ nội thất gia đình (24,5%) và đồ chơi (21%)./.
 

Thu Hà