|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phản ứng trái chiều về đề xuất nghỉ học hết tháng 3

20:48 | 20/02/2020
Chia sẻ
Trong khi ý kiến phụ huynh phân tán trước đề xuất nghỉ học hết tháng 3 thì nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng "chưa cần thiết nghỉ".

Đọc tin TP HCM kiến nghị Chính phủ cho học sinh nghỉ hết tháng 3, anh Lưu Đức Thiện ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12, lắc đầu. Anh hy vọng Chính phủ bác đề xuất của TP HCM và ngành giáo dục cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3, sau một tháng nghỉ vì dịch corona (Covid-19). 

"Đến hôm nay, Việt Nam chỉ còn một bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, 15 bệnh nhân khác đã khỏi và xuất viện. Chẳng có lý gì lại cho nghỉ tới một tháng nữa?", anh Thiện nói.

Ông bố có hai con 11 và 2 tuổi phân tích, không cho học sinh đến trường không có nghĩa là phòng bệnh an toàn. Bởi nếu ở nhà, trẻ vẫn có khả năng tiếp xúc với người lạ ở khu phố, công viên. Chưa kể, nhiều vợ chồng nhờ người giúp việc, những người ít kiến thức và kỹ năng phòng dịch, trông nom con cháu thì chưa chắc đã an toàn hơn là đi học.

"Nếu chờ dịch chấm dứt hoàn toàn mới cho học sinh đi học thì không biết đến bao giờ. Hãy cho các cháu đến trường và siết chặt biện pháp phòng dịch", anh Thiện nói.

Có con năm nay thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Văn Bảo ở quận Thủ Đức, TP HCM, phân tích với đề xuất của TP HCM, học kỳ II kéo dài hết tháng 7, sau đó thi THPT quốc gia ngay là quá sức với học sinh lớp 12. Việc thi gấp sẽ không thể đạt kết quả tốt, trong khi kỳ thi này quyết định tương lai nghề nghiệp của các em.

"Chúng ta phải tranh thủ thời gian. Không để mọi việc không bị đình trệ", ông Bảo nói và cho rằng hãy tham khảo quốc tế. Hiện Hong Kong cho học sinh nghỉ đến 16/3, Trung Quốc cho nghỉ đến khi có thông báo mới. Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ khoanh vùng, nhóm học sinh, sinh viên có nguy cơ, còn lại vẫn đi học.

Nhiều học sinh lớp 9 ở Hà Nội cũng nóng lòng được đi học, nhất là hôm qua thành phố thông báo lịch thi vào lớp 10 từ ngày 1/6, sớm hơn năm ngoái một ngày. 

Phạm Hồng Khánh, học sinh một trường chất lượng cao ở Nam Từ Liêm, kể: "Cả nhà em như ngồi trên đống lửa sau khi biết kế hoạch thi vào lớp 10. Nghỉ phòng dịch ba tuần, thành phố phải lùi lịch thi để chúng em ôn luyện chứ".

Thời gian nghỉ phòng dịch, Khánh làm bài tập thầy cô giao qua mạng và tự học nhưng vẫn không yên tâm. "Chưa bao giờ em mong quay trở lại trường như hiện nay.", nữ sinh nói.

Trái ngược với các ý kiến trên, vợ chồng anh Triệu Quang Châu (35 tuổi, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) ủng hộ cho nghỉ hết tháng 3. Con trai lớn học lớp 5, con trai nhỏ lớp 1, sau hai tuần vợ chồng luân phiên nghỉ trông con, anh Châu đã đưa cả hai về gửi ông bà nội ở Đồng Nai.

Đà Nẵng chưa có ca dương tính với nCov, 153 người nhập viện điều trị cách ly đã được về nhà. Tình hình dịch có dấu hiệu khả quan, nhưng anh Châu cho rằng nhiều gia đình đã quen với việc trông giữ con ở nhà nên nghỉ hết tháng 3 cũng "không sao".

Cũng nhất trí với đề xuất của TP HCM, ông Nguyễn Đức Tuyền (45 tuổi, TP Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ ra thực tế dịch hạ nhiệt ở Việt Nam nhưng thế giới vẫn phức tạp. Với dân số gần 100 triệu, cùng với sự giao lưu quốc tế rộng rãi, không thể khẳng định dịch Covid-19 không quay lại Việt Nam.

Con gái lớn học lớp 12 song ông Tuyền không sốt ruột. "Lùi việc học, thi cử là bất đắc dĩ, nhưng mình cần nghĩ tới cái chung. Nếu ngành giáo dục vẫn cho đi học từ tháng 3, tôi xin phép cho con nghỉ tiếp, thấy an tâm mới cho đi", ông nói.

Phản ứng trái chiều về đề xuất nghỉ học hết tháng 3 - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học Bến Tre được hướng dẫn tăng cường rửa tay để phòng dịch. Ảnh: Hoàng Nam

Phản hồi trước đề xuất của TP HCM, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương bày tỏ không đồng tình. Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, nói: "Việc học sinh tiếp tục nghỉ học hết tháng 3 sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học, kiến thức của học sinh. Cho học sinh nghỉ tiếp hay không phải tùy vào diễn biến dịch bệnh".

Cùng quan điểm, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận đánh giá tình hình dịch bệnh tiến triển tích cực trên cả nước. Hầu hết tỉnh thành cho học sinh nghỉ hết tháng 2 nên còn 9 ngày để theo dõi diễn biến dịch bệnh. Theo ông, cuối tháng 2 là thời điểm phù hợp để quyết định cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học lại.

Với 280.000 học sinh mầm non và các lớp từ 1 đến 11, tỉnh Bình Thuận có thể sắp xếp học bù, lịch các kỳ thi theo tiến độ chương trình. Nhưng với 11.000 học sinh lớp 12, lùi thi THPT quốc gia thì tiến độ chấm thi, công bố kết quả, tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đều chậm, có thể lấn sang năm học mới.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, Nguyễn Hồng Oanh cho rằng, TP HCM với quy mô dân số lớn (hơn 9 triệu), đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3 có thể hợp lý, nhưng với địa phương khác thì "chưa cần thiết". Việc lùi thi THPT quốc gia ảnh hưởng tới nhiều hoạt động, lấn sang cả năm học 2020-2021.

Lãnh đạo ngành giáo dục một tỉnh ở Tây Nguyên cũng cho rằng, hiện tại Chính phủ không nên đồng ý với kiến nghị của TP HCM. Lý do TP HCM đưa ra trong bản kiến nghị chưa thuyết phục, bởi tình hình dịch trên cả nước đang tốt lên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận cho hay,  Đà Nẵng sẽ theo dõi đến hết tháng 2.

Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Hà Nội và TP HCM có số học sinh đông nhất, khoảng 2 triệu. Hơn 800.000 học sinh dự kiến đăng ký thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Hiện, 15 trong tổng số 16 bệnh nhân nhiễm nCoV đã xuất viện. 7 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm nCoV.

Mạnh Tùng - Thanh Hằng - Nguyễn Đông - Phước Tuấn