Phản đối đưa danh sách Fortune Global 500 của Forbes vào luật đặc khu
Sáng 4/4, Hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách đã thảo luận về nội dung Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật đặc khu).
Tiêu chí nhà đầu tư chiến lược dựa vào xếp hạng của một tạp chí
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết bà phản đối việc đưa ra tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược trong dự thảo luật đặc khu dựa vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới (Fortune Global 500) của Forbes.
Để xác định nhà đầu tư chiến lược, luật đặc khu đưa ra tiêu chí dựa vào dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, phù hợp với quy hoạch đặc khu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoặc tạo ra giá trị gia tăng đột biến tại đặc khu.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: HC.
Dự án này thuộc công ty trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes trong 5 năm liền trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, có vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng, giải ngân không quá 3 năm.
Bà Khánh nói việc đưa ra tiêu chí dựa vào xếp hạng của một tạp chí là không hợp lý, đặc biệt là trong cơ chế thị trường có nhiều biến động.
Bà lấy ví dụ Facebook là một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới từng rất có uy tín, nhưng khi vướng vào sự cố vừa qua đã thay đổi rất nhiều. Bà Khánh đề xuất cần lấy tiêu chuẩn khác để đưa vào Luật đặc khu, đáp ứng sự biến động của nền kinh tế thị trường.
Tranh cãi ưu đãi vượt trội
Vấn đề ưu đãi vượt trội thu hút nhà đầu tư của đặc khu tiếp tục được các đại biểu quốc hội quan tâm, thảo luận.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần xem xét lại các quy định ưu đãi sao cho công bằng với các địa phương khác.
Theo ông Vân, bản thân điều kiện tự nhiên thuận lợi và việc Nhà nước đầu tư hạ tầng cho các đặc khu đã là một ưu đãi rất lớn. Ông băn khoăn việc miễn 30 năm tiền thuê mặt đất, mặt nước và phản đối thời hạn thuê đất đến 99 năm.
“Tài sản trên đất, và đất thuê đã được ưu đãi, lại đem đi thế chấp rồi được ưu đãi tiếp, điều này có bình đẳng với các địa phương khác chưa, có xung đột về pháp lý hay chưa. Cần nhấn mạnh thời đại bây giờ là công nghiệp 4.0, không gian phát triển không chỉ trên một địa hạt cụ thể, cần hội nhập vào không gian đó bằng sự minh bạch của chính quyền, môi trường và văn hóa”, ông Vân nói.
Nhiều đại biểu băn khoăn thời hạn thuê đất kéo dài 99 năm tại đặc khu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Đồng tình với điều này, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP.HCM) thẳng thắn nói mở ra đột phá nhưng không phải là sự dễ dãi.
“Giao đất quá rộng, thời gian quá dài có phải là nhượng địa đi kèm trao quyền sử động đất? Sau này con cháu chúng ta xử lý thế nào, đặc biệt liên quan đến quốc phòng an ninh, cần quan tâm đến vấn đề chủ quyền, đặc biệt có vốn nước ngoài”, ông Khuê nói.
Đại biểu Khuê cũng đề xuất cần quy định rõ không thể đánh đổi chủ quyền để phát triển kinh tế. Cần thiết có thể đặt ra quy định chính sách phân biệt nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Có những vấn đề không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Đại biểu Lê Thanh Vân thì cảnh báo cả 3 nơi được chọn làm đặc khu, là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều rất nhạy cảm về mặt an ninh quốc phòng, nhưng chưa có một chuyên gia an ninh quốc phòng nào đánh giá, đưa ra nhận định để có giải pháp cụ thể.
Kiểm soát quyền lực tại đặc khu
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, kiểm soát quyền lực, có hay không thành lập Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu… cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đánh giá cao dự thảo Luật Đặc khu lần này đã có phương án tổ chức HĐND tại đặc khu. Tuy nhiên, ông băn khoăn số lượng đại biểu HĐND là 15 người, đa phần là chuyên trách, đáp ứng tiêu chí gọn nhẹ, nhưng cần quy định cụ thể hơn như tỷ lệ, số lượng.
Về Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu, ông Tám nhấn mạnh bản thân chính quyền đặc khu đã có nhiều cơ quan giám sát như Quốc hội, đoàn ĐBQH, HĐND, chủ tịch UBND cấp tỉnh… Do đó nếu quy định thêm ban này nữa thì làm mất tính chủ động, tạo thêm ràng buộc, không cần thiết phải có.
Mô hình tổ chức chính quyền trong dự thảo luật này lần có cả HĐND và UBND. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) nói đang có sự chồng chéo liên quan đến trách nhiệm của các bên khi có Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu. Bà đề nghị ban soạn thảo cân nhắc chức năng nhiệm vụ của Ban tư vấn, quy định nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ gọn nhẹ, hiệu lực hiệu quả.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ), nhấn mạnh cần có cơ chế kiểm soát quyền lực trong dự thảo lần này theo mô hình có UBND, HĐND đặc khu.
Ghi nhận các ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Dự án Luật đặc khu là rất mới, chưa có tiền lệ, chưa có mô hình đã thực hiện, nên rất khó. Ông cho rằng cần phải suy nghĩ tạo ra những đột phá, vượt lên trên những vấn đề thông thường hiện nay.
Các cơ quan liên quan sẽ tiếp thu, cùng với Chính phủ chỉnh lý để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/