UBTVQH xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo khẩn trương tiến hành các công việc để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, tổ chức tọa đàm với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về một số nội dung lớn của dự án luật, đồng thời, tích cực nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc thảo luận. Ảnh:VGP/ Nguyễn Hoàng.
Qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy vấn đề xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương và việc thiết kế các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) là hai vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của dự thảo luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, dự kiến phương án tiếp thu chỉnh lý các nội dung này.
Để chuẩn bị nội dung báo cáo UBTVQH, ngày 9/1, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ. Tại cuộc họp, các cơ quan đã thống nhất một số nguyên tắc chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là: Cần quán triệt những quan điểm, mục tiêu được xác định trong Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về thành lập các đơn vị HCKTĐB trực thuộc cấp tỉnh và phạm vi điều chỉnh của Luật áp dụng chung cho ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Những cơ chế, chính sách được luật này quy định phải bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.
Việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đơn vị HCKTĐB cần đáp ứng các yêu cầu là bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp; bảo đảm tinh gọn đầu mối, phân cấp, phân quyền mạnh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của chính quyền đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu xây dựng thể chế hành chính thuận lợi, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa sự lạm quyền.
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH tiếp tục phân tích, đánh giá tính ưu, khuyết điểm đối với 2 phương án do Chính phủ trình về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB. Một số ý kiến bày tỏ đồng tình với đề nghị theo Báo cáo của Ủy ban Pháp luật là xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án do Chính phủ trình. Đồng thời, các ý kiến cũng nêu nhiều kiến nghị cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế và hoàn thiện từng phương án.
Về các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị HCKTĐB, dự thảo quy định một số chính sách ưu đãi về thời hạn sử dụng đất, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, cho phép thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư… (điều 17 và điều 28). Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo cơ chế thu hút đầu tư, các chính sách đất đai tại đơn vị HCKTĐB cần có sự hấp dẫn, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm cạnh tranh quốc tế; tuy nhiên, cũng cần bảo đảm thận trọng, với mức độ ưu đãi hợp lý để tránh tình trạng lạm dụng, gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tinh thần chung, dự luật này chỉ làm thí điểm đối với cho ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và phải bảo đảm sự phù hợp với Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 để tạo ra mục tiêu, cực tăng trưởng, khâu đột phá để phát triển 3 đặc khu cũng như 3 địa phương và cho cả nước. Những cơ chế, chính sách ở những đơn vị HCKTĐB phải là đặc thù, trên tinh thần không trái với Hiến pháp, không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, hoặc cam kết, ký kết, song phải luôn bảo đảm tính hợp lý trong điều kiện kinh tế, chính trị của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện dự án luật để trình UBTVQH xem xét, quyết định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/