|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 1] Liên tục tạo thêm rào cản, Trung Quốc có còn là thị trường hấp dẫn?

10:59 | 13/09/2019
Chia sẻ
Mặc dù là thị trường tiềm năng và truyền thống của hàng Việt nhưng Trung Quốc đang đưa ra ngày càng nhiều các yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi qui định đã ban hành trước đây khiến nông sản, thủy sản xuất khẩu Việt lâm vào thế khó.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ đạo với 8.000 dòng sản phẩm có thuế về 0%

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc hiện giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ nhất về cao su, rau quả và sắn các loại, đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ, đứng thứ 4 về chè, đứng thứ 5 về thủy sản, đứng thứ  9 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

inf

Bộ Công Thương đánh giá với dân số hơn 1,4 tỉ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.

32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là một thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)...

"Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia kí kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. 

Có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này", Bộ Công Thương nhận định.

Hàng loạt thay đổi gắt gao liên tục áp dụng

Thống kê của Bộ Công Thương cho biết trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, giá của nhiều mặt hàng giảm sau khi đã đạt mức cao trong các năm 2017 - 2018.

Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 16,6 tỉ USD, giảm 7,2% so với cùng kì. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.

"Thực tế, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lí phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quí định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu.

Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn", Bộ Công Thương cho biết.

"Trung Quốc đang tập trung siết chặt chính ngạch, đòi hỏi sản phẩm chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu rau quả chững lại vì cơ quan chức năng Trung Quốc đã xây hàng rào không cho hàng tiểu ngạch sang thì tất nhiên xuất khẩu sụt giảm.

Đó là điều cảnh tỉnh doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải đảm bảo nguồn hàng chất lượng", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam trao đổi với người viết.

Cụ thể, tháng 5/2018, Trung Quốc chính thức phát đi thông tin về việc siết chặt qui định nhập khẩu với trái cây Việt Nam. Muốn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, nước này yêu cầu sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói để có thể truy xuất nguồn gốc.

Chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang bị nước này siết chặt, thậm chí nhiều mặt hàng còn bị "cấm cửa".

8dcc612f43cfa491fdde

Nhiều loại trái cây của Việt Nam bị siết chặt khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: NH.

Không chỉ các mặt hàng nông sản, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh gửi các ngành chức năng và các địa phương cũng thông báo về một số thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy sản.

Cụ thể, năm 2018, chính quyền thị xã Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) khởi động mô hình logistics blockchain xuyên khu vực, xuyên quốc gia đối với hàng thủy sản.

Theo đó, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành hàng loạt qui định mới về quản lí nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; qui cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; qui cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm.

Nông sản của Việt Nam chưa được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu, cụ thể là các sản phẩm thủy hải sản (sứa, cá biển... ), nguyên liệu từ bột xương, rong biển và dược liệu.

Đáng chú ý, với các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu vào Trung Quốc, bao bì đóng gói in ấn phải chắc chắn, không bao gồm sản phẩm ướp đá. 

Trong phần nhãn sản phẩm phải ghi đầy đủ tên thương mại và khoa học, qui cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất, vùng sản xuất, tên và mã số doanh nghiệp chế biến sản xuất phải ghi rõ đích đến là Trung Quốc.

Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lại tiếp tục ra Thông báo số 70/2019 về qui định quản lí, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc, thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10/2019.

Phần 2: Xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó khăn, nông sản Việt 'trở tay không kịp'

Như Huỳnh