|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 2] Xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó khăn, nông sản Việt 'trở tay không kịp'

10:02 | 14/09/2019
Chia sẻ
Việc thị trường Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông sản đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Tác động của nó đã không còn là dự báo mà thực tế đang là "rào cản" đối với nông sản Việt.

Nông sản Việt lâm vào thế khó, xuất khẩu ùn ứ

Số liệu của Hiệp hội rau quả cũng cho thấy, trong tháng 8/2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt gần 224 triệu USD, giảm 9,44% so với tháng 7/2019 và giảm đến 37,74 % so với cùng kì 2018.

Tính chung 8 tháng, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này ước đạt 2,5 tỉ USD, giảm 6,75 % so với cùng kì 2018.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 nhưng liên tiếp sụt giảm trong những tháng qua. Riêng trong tháng 7, kim ngạch thu về từ thị trường này đạt 1,6 tỉ USD, giảm hơn 8% so với cùng kì năm trước.

Thị phần của rau quả Việt nam tại thị trường này cũng sụt giảm từ 74,87% năm 2018 xuống còn 70,04% năm 2019.

Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết nguyên nhân sụt giảm do nhiều mặt hàng Việt Nam thường xuất tiểu ngạch nay không xuất được nữa. 

Trong khi đó, phần chính ngạch dù có được đẩy mạnh lên nhưng nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong vấn đề thủ tục nên việc xuất khẩu cũng gặp khó khăn.

"Bây giờ ngay cả thị trường thoải mái nhất là Trung Quốc cũng siết chặt về qui định dư lượng hóa chất và an toàn thực phẩm. 

Bước đầu người dân chưa được thông tin rộng rãi về các chất được hoặc không được sử dụng còn doanh nghiệp gặp khó về giấy tờ, thủ tục xuất khẩu chính ngạch", ông Nguyên cho hay.

15

Hàng nghìn tấn nông sản Việt ùn ứ tại cửa khẩu do qui định nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi. Nguồn: Thanh Niên

Đây cũng là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX chanh dây Thuận Châu Sơn La, khi cho biết từ trước đến nay, mặt hàng chanh dây xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ duy nhất bằng con đường tiểu ngạch, thời điểm nào Trung Quốc không có thì giá lên rất cao nhưng ngược lại khi hàng dồn nhiều thì sản phẩm sẽ rớt giá giá thê thảm. 

Đáng chú ý, hiện sản phẩm này đang gần như bị "cấm cửa" tại thị trường này.

"Có lúc giá chanh dây lên 45.000 - 50.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ còn hơn 10.000 đồng/kg và thậm chí còn không có người mua. Bởi hiện tại mặt hàng chanh dây không thể xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, trong khi đường chính ngạch vẫn chưa được Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu mặt hàng này, nên bà con rất khó khăn".

Thực tế việc Trung Quốc áp dụng các qui định mới trong nhập khẩu chính ngạch và siết chặt tiểu ngạch khiến rất nhiều mặt hàng nông thủy sản "trở tay không kịp", lâm cảnh ùn ứ.

Theo Bộ NN&PTNT, do chưa đáp ứng được yêu cầu về thủ tục, qui cách bao gói, nhãn mác... nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam đã bị trả lại, ách tắc từ đầu 8/2019 đến nay tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Trong đó, tôm Khánh Hòa ùn tắc trên 129 tấn; mực, cá từ Vũng Tàu trên 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang gần 60 tấn; tép khô Phan Thiết 14 tấn,...

Cũng vì Trung Quốc thay đổi qui định về nhập khẩu nên giữa năm nay, có tới hàng ngàn tấn mực khô của ngư dân bị tồn kho, không xuất khẩu được.

Bộ Công Thương cho rằng hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, xuất khẩu và cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các qui định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu.

Muốn hay không cũng phải thay đổi

Trung Quốc hiện chiếm tỉ trọng 30-40% trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, tuy nhiên, doanh nghiệp này lại không bị ảnh hưởng bởi sự siết chặt của thị trường Trung Quốc.

Theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, để tránh được tác động của sự thay đổi từ thị trường nhập khẩu, hàng hóa sản xuất phải luôn đáp ứng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn xuất khẩu từ các thị trường khó tính.

"Nâng cao chất lượng sản phẩm là điều hiển nhiên vì muốn phát triển thì doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, sản xuất theo hướng an toàn. Ngoài ra Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể để có những sản phẩm tốt và đồng bộ bởi hàng hóa xuất tốt, bán dễ dàng hơn khi có sự đồng đều cao.

Đồng thời cần phải có những biện pháp giáo dục nông dân sản xuất an toàn, nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật với thời gian cách li ngắn để người sản xuất sử dụng an toàn cho sản phẩm xuất khẩu", ông Hiệp nói.

bc0fb9869f6678382177

"Khẩu vị" của người tiêu dùng ngày càng tăng cao về chất lượng và độ an toàn. Ảnh: Như Huỳnh.

b72fe164c58422da7b95

Nông sản Việt cần được sản xuất theo hướng an toàn để đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu, không riêng gì Trung Quốc. Ảnh:NH

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khả năng sản xuất của ngành trồng trọt trong nước vẫn đang phát triển tốt, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng các điệu khắt khe của thị trường các nước.

Trong điều kiện thương mại mở cửa hiện nay, việc tận dụng các điều kiện thuận lợi sẵn có từ vị trí địa lí, chi phí logistic, nhu cầu, thị hiếu... là rất quan trọng.

"Muốn hay không muốn thì doanh nghiệp sản xuất cũng phải đi vào hướng an toàn, vì ngay cả người dân trong nước cũng không muốn mua những sản phẩm sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu hay hóa chất.

Trong khi đó, đời sống người dân Trung Quốc cũng ngày càng cao nên họ bắt đầu "kén" ăn và chọn sản phẩm tốt, bổ, rẻ để sử dụng, nếu chúng ta sản xuất và xuất khẩu được những sản phẩm an toàn thị thị trường Trung Quốc là thị trường rất lớn, khả năng trong vài năm tới sẽ đạt con số trên 4 tỉ USD", ông Nguyên nhận định.

Như Huỳnh