|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Muốn xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc cần phải trở thành thị trường sản xuất hiện đại

19:25 | 13/09/2019
Chia sẻ
Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thuỷ sản của Việt Nam, nhưng chính sách mới nhằm siết chặt quản lí nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ giảm đang đe doạ tới hoạt động xuất khẩu nông thuỷ sản.

Siết chặt điều kiện nhập khẩu là xu thế tất yếu

Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ  9 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. 

32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. 

Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)...

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu nông thuỷ sản sang Trung Quốc diễn ra chiều ngày 13/9 tại Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết từ đầu năm đến nay, xuất khẩu mặt hàng nông sản sang Trung Quốc có chiều hướng sụt giảm.

Nguyên nhân đến từ việc nhu cầu tiêu thụ nội địa Trung Quốc sụt giảm vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu trong nửa đầu năm 2019 dưới ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ. 

vinhthanh5

Nếu không nhanh chóng phản ứng với sự thay đổi của thị trường Trung Quốc có xu hướng ngày càng khắt khe, xuất khẩu nông thuỷ sản Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro lớn. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Đồng thời thay đổi chính sách mới, kiểm soát chặt hơn các điều kiện nhập khẩu như tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm nhập khẩu, chính sách biên giới siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính qui, truy xuất nguồn gốc...

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Trần Thanh Hải cho biết đây là xu thế tất yếu, không chỉ Trung Quốc mà nhiều thị trường khác cũng đẩy mạnh kiểm soát chặt hơn để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, "các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra. 

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ coi thị trường Trung Quốc là chợ biên giới, chỉ cần mang hàng lên biên giới bán những gì mình có rồi tìm người mua mà không quan tâm đến thị hiếu, nhu cầu của người mua.

"Cần phải thay đổi tư duy, giảm dần tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lí cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; sản xuất  phải theo qui hoạch, căn cứ, nhu cầu dung lượng của thị trường, mùa vụ", bà Oanh nhấn mạnh.

'Một nền sản xuất không hiện đại'

Chia sẻ cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết một nền sản xuất mà các doanh nghiệp vẫn chỉ tập trung vào sản xuất, không có chỉ đạo, giám sát, thiết kế hạ tầng không đầy đủ thì chỉ là thị trường sản xuất không hiện đại. 

Còn hiện tại, nhu cầu của nền kinh tế là sản xuất hàng hoá tập trung hiện đại. 

Vì vậy, cần giải quyết tất cả khâu từ tìm hiểu thông tin thị trường (nắm bắt nhu cầu dung lượng, đặc điểm thị trường) để định dạng qui mô, vùng sản xuất, đến nghiên cứu phương thức sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường chuỗi giá trị, tăng chế biến. 

"Không thể chỉ bán tươi, bán tươi chỉ hôm nay, tiền ít, rất bấp bênh, mai không bán được, không bảo quản được".

Đảm bảo được tất cả qui trình, không chỉ giúp doanh nghiệp luôn cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường Trung Quốc, không tạo ra khủng hoảng dư cung, mà còn đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của mọi thị trường. 

Lyly Cao