[Phần 1] Ấn tượng Vingroup 2018: Đưa 'kỉ lục gia' Vinhomes lên sàn chứng khoán
“Vingroup đang làm tốt – nhưng đơn thuần là tốt vượt trội trong quy mô “sân nhà”. Hơn cả, Vingroup cần nỗ lực để hướng tới đẳng cấp quốc tế. Đẳng cấp này không chỉ là dịch vụ, sản phẩm mà còn là từng cá nhân trong hệ thống…” - Chủ tịch Phạm Nhật Vượng - |
Đây là những lời mở đầu của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng trong cuốn báo cáo thường niên 2017 của Tập đoàn Vingroup.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup |
Hai nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn trong năm 2018 được Chủ tịch giao phó gồm tiếp tục nâng cấp toàn diện hệ thống và quan trọng hơn là vươn tầm quốc tế trong mọi lĩnh vực hoạt động.
Nhìn lại một năm qua của doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, dường như những mục tiêu này đang được triển khai đúng hướng. Từng nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp được "đội quân Vingroup" lần lượt hoàn thành, với phong cách “thần tốc” đã thành thương hiệu.
Năm 2016 là dấu mốc quan trọng của Tập đoàn Vingroup khi Chủ tịch Phạm Nhật Vượng quyết định thay đổi slogan doanh nghiệp từ “Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển” thành “Vingroup – Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, thông qua đó, ông Phạm Nhật Vượng mong muốn cán bộ nhân viên Vingroup luôn làm việc với tinh thần giống như một doanh nghiệp khởi nghiệp, luôn chiến đấu, hiệu quả, sáng tạo và biết chắt chiu…
Một trong những điểm thay đổi mấu chốt của Tập đoàn chính là việc quyết liệt xây dựng mô hình trung tâm lợi nhuận độc lập (hay còn gọi là P&L) cho các công ty trong hệ thống. Qua đó, Vingroup sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng các công ty sẽ hoạt động dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ và quản lý chặt chẽ từ Bộ máy Trung ương.
Sản phẩm của thay đổi này chính là các doanh nghiệp con hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau bất động sản, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng, giáo dục, thương mại, y tế, nông nghiệp, công nghiệp ô tô… Mỗi công ty sẽ là một mắt xích hoạt động, đóng góp lợi nhuận về cho Tập đoàn.
Đưa Vinhomes lên sàn, "kỉ lục gia" của chứng khoán Việt Nam
Nếu như năm ngoái, Vingroup đưa Vincom Retail, doanh nghiệp chuyên quản lý, vận hành trung tâm thương mại lên sàn chứng khoán, thì năm nay sự chú ý đổ dồn về cái tên Vinhomes, đơn vị vận hành mảng bất động sản của Tập đoàn.
Tháng 2/2018, CTCP Vinhomes chính thức được đổi tên từ CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Ngay sau đó, Vinhomes thực hiện các bước sáp nhập cùng hai doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát và CTCP Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes, tăng vốn điều lệ lên 28.365 tỉ đồng (gấp 14 lần so với ban đầu), sau đó điều chỉnh xuống còn 26.377 tỉ đồng. Các doanh nghiệp được sáp nhập đều nắm giữ các dự án bất động sản quan trọng của Tập đoàn như Times City hay Vinhomes Central Park…
Vinhomes Landmark 81 - một trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới |
Tại bản cáo bạch của mình, Vinhomes cho biết, năm 2018 sẽ là năm đầu tiên đánh dấu việc tái cấu trúc của Tập đoàn Vingroup theo hướng tập trung các hoạt động kinh doanh bất động sản của Tập đoàn tại CTCP Vinhomes. Vinhomes sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển, quản lý và vận hành các dự án bất động sản mang thương hiệu Vinhomes và VinCity.
Vinhomes đặt kế hoạch doanh thu thuần 24.614 tỉ đồng và lãi sau thuế 5.461 tỉ đồng trong năm 2018; sang năm 2019 mục tiêu doanh thu tăng mạnh lên 80.338 tỉ đồng, lãi sau thuế tương ứng 20.803 tỉ đồng.
Sự kiện Vinhomes lên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) lập tức tạo nên hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Ngay trong phiên giao dịch thứ hai, Vinhomes đã lập kỷ lục giao dịch thỏa thuận với khối lượng 267,8 triệu cổ phiếu, giá trị 1,35 tỉ USD. Trước đó, quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore cho biết đầu tư 1,3 tỉ USD vào Vinhomes qua đó sở hữu 5,74% vốn điều lệ, ngoài ra còn cung cấp một khoản vay tài trợ các dự án.
Ngày 22/5, Vinhomes chính thức soán ngôi công ty mẹ Vingroup để trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường (tương ứng 13,9 tỉ USD). Thời điểm này, thậm chí vốn hóa bộ ba cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC, VHM, VRE còn vượt cả vốn hóa thị trường nhóm ngân hàng niêm yết, và tương đương hơn 1/5 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên trường quốc tế, sự kiện Vinhomes chào sàn cũng giúp giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng tăng trưởng nhanh chóng. Cuối ngày 17/5, tổng giá trị của ông Vượng theo thống kê của Forbes chạm mức 7,3 tỉ USD (cao nhất lịch sử), tăng thêm 0,4 tỉ USD so với trước khi Vinhomes niêm yết. Còn nếu so với thời điểm cuối tháng 3, tổng giá trị tài sản ròng của Chủ tịch Vingroup tăng thêm 3 tỉ USD.
Ông Vượng - một tỉ phú Việt Nam - ngày càng bay cao trên bảng xếp hạng tỉ phú thế giới, tiệm cận top 200 và làm tăng uy tín cá nhân ông nói riêng cũng như của Tập đoàn Vingroup nói chung.
Cuối tháng 9 năm nay, Vinhomes công bố quy hoạch dòng sản phẩm VinCity, một trong các dự án chủ lực trong định hướng phát triển và rất được công chúng quan tâm. Ba dự án đầu tiên gồm VinCity Ocean Park sẽ ra mắt tại Gia Lâm, Hà Nội, với điểm nhấn là biển hồ nước mặn và hồ lớn trung tâm; VinCity Sportia - đô thị hạt nhân với tinh thần thể thao năng động tại Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hà Nội và VinCity Grand Park - đô thị công viên tại Quận 9, TP HCM.
Các dự án VinCity được quảng bá là nhắm đến đông đảo khách hàng hơn với giải pháp tài chính thời hạn trả góp lên tới 35 năm và phương thức thanh toán linh hoạt. Thậm chí chỉ với gần 5 triệu đồng phải trả mỗi tháng và một khoản tiền ban đầu nhất định, khách hàng đã có thể có nhà VinCity.
Tính đến tháng 8/2018, bất động sản Vinhomes đã hoàn thành tổng cộng 7 dự án, mở bán 11 dự án, 26 dự án trong kế hoạch triển khai. Lũy kế giai đoạn từ 2010 đến 2018, khoảng 51.000 sản phẩm bất động sản được giao dịch thành công. Doanh thu 9 tháng đầu năm của Vinhomes đạt 22.405 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 11.887 tỉ đồng. Mảng bất động sản vẫn là nhân tố chính đóng góp khoảng 65% tổng doanh thu toàn Tập đoàn Vingroup, đồng thời giúp gánh các khoản lỗ từ các mảng kinh doanh khác mới đi vào hoạt động.
Giá trị hàng tồn kho của Vinhomes tính đến 30/9 đạt 38.392 tỉ đồng chủ yếu gồm các chi phí xây dựng, phát triển các dự án văn phòng, trường học, khách sạn, trung tâm thương mại thuộc các dự án Vinhomes Green Bay, Vinhomes Metrololis, Vinhomes Golden River, VinCity Gia Lâm, VinCity Park, Vinhomes Cetral Park... Khoản mục chi phí xây dựng dở dang 19.830 tỉ đồng chủ yếu đến từ các dự án Khu đô thị Cần Giờ, sân golf Leman, Vinhomes Kỳ Hòa, VinCity Sportia...
Kể từ năm 2018, Vingroup không chỉ còn là một doanh nghiệp “bất động sản”, Forbes gọi ông Vượng là “tỉ phú đa ngành” do công ty không ngừng đẩy mạnh hoạt động sang các mảng khác. Từ tháng 8, Vingroup tuyên bố định hướng trở thành công ty công nghệ. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ có thể phủ nhận vai trò đầu tàu của mảng bất động sản mà cụ thể là Vinhomes, nơi tạo nền tảng vững chắc cho những tham vọng khác của Tập đoàn trong tương lai.
Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục nói về những P&L khác của Tập đoàn Vingroup, những bước đi “thần tốc” khi tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới, đặc biệt là màn ra mắt ấn tượng đối với các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao như ô tô VinFast, điện thoại Vsmart…