Phải lập xong báo cáo ĐMT dự án sân bay Long Thành trong tháng 3/2019
Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ sân bay Long Thành giai đoạn 1 | |
Cần 22.856 tỷ đồng phục vụ GPMB Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Lập Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá dự án sân bay Long Thành
Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về kiểm điểm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (8 dự án đầu tư theo hình thức PPP), Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông…
Bộ trưởng yêu cầu tháng 3/2019 phải lập xong báo cáo ĐMT dự án sân nay Long Thành, đồng thời đây cũng là thời hạn vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: mt.gov.vn) |
Trong đó, liên quan đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là hai dự án rất quan trọng, được xã hội quan tâm. Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị phải đảm bảo tiến độ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng yêu cầu trước ngày 2/9, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất để sớm phê duyệt.
Vụ Kế hoạch đầu tư được giao tham mưu cho Thứ trưởng phụ trách tổ chức cuộc họp với lãnh đạo TP HCM công bố quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như thống nhất một số nội dung công việc giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) tổng thể Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đảm bảo tiến độ; sớm thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.
ACV chỉ đạo trong công tác tổ chức Ban điều hành, củng cố Ban QLDA, cần thiết mời các chuyên gia, cố vấn có kinh nghiệm để tư vấn; nghiên cứu, thành lập Nhóm công tác thuộc dự án chuyên về giải quyết các công việc liên quan đến GPMB.
Bộ trưởng yêu cầu đến tháng 3/2019, phải lập xong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Việc lập ĐTM được lập song song với quá trình lập F/S tổng thể và sẽ trình thẩm định, phê duyệt trước khi trình F/S cho Hội đồng thẩm định nhà nước.
Thời gian tối đa vận hành chính thức đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tháng 3/2019
Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Phụ trách Ban QLDA Đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết, khối lượng xây lắp dự án Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành khoảng 96% (chưa bao gồm hạng mục thiết bị). Các hạng mục hoàn thiện gồm kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu Depot; còn hạ tầng khu Depot vẫn đang tiếp tục được triển khai. Vật tư, thiết bị vẫn đang được Tổng thầu tiếp tục thực hiện; hiện 95% khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường. Tổng thầu đã triển khai lắp đặt khoảng 83%.
Về công tác chuẩn bị vận hành chạy thử, đại diện Ban QLDA Đường sắt cho biết vào cuối tháng 7 đã xông điện toàn hệ thống dự án và tiến hành căn chỉnh 5 hệ thống chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu cũng đã vận hành thử đoàn tàu vào ngày 20/8, đồng thời tiếp tục tiến hành căn chỉnh 6 hệ thống chuyên ngành thiết bị còn lại.
Ông Phương dự kiến, từ ngày 20/9 sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử liên động toàn hệ thống của dự án (toàn bộ 11 hệ thống chuyên ngành thiết bị) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, dự án có chuyển biến nhưng vẫn có nguy cơ chậm tiến độ. Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phối hợp với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, làm việc với nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan giải quyết toàn bộ vấn đề đang vướng mắc hiện nay, trong đó có việc công bố quy trình vận hành để nghiên cứu, kiểm tra, giám sát. Tối đa 6 tháng sau khi vận hành thử phải tiến hành vận hành thương mại.