Phá sản ngân hàng không phải là quy định mới
Bảo hiểm tiền gửi 100% khi phá sản ngân hàng? | |
Cho phép phá sản ngân hàng? |
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng phá sản ngân hàng không phải là quy định mới- Ảnh: L.K |
Ý kiến đáng chú ý này được ông Nguyễn Kim Anh nêu ra trong buổi họp báo diễn ra vào sáng 14/12 về Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua, dưới sự chủ trì của ông Giang Sơn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Phá sản không phải là quy định mới
Giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, khẳng định luật này đã bổ sung các quy định nhằm minh bạch hoá nguồn góp vốn, ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo.
Theo đó, Luật bổ sung yêu cầu cổ đông phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại tổ chức tín dụng.
Các cổ đông không được sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng.
Luật cũng quy định không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác.
"Luật cũng bổ sung quy định hạn chế một cổ đông lớn và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại tổ chức tín dụng khác", ông Kim Anh nói.
Về các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Luật cũng quy định cụ thể từng phương án: phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần; giải thể; chuyển giao bắt buộc và phá sản.
Trước câu hỏi đề nghị cho biết rõ về phương án phá sản ngân hàng, ông Nguyễn Kim Anh cho biết: quy định phá sản cũng đã được đề cập trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2007 và các lần sửa đổi sau đó.
Vì vậy, Phó thống đốc cho rằng phá sản ngân hàng không phải là quy định mới của luật sửa đổi lần này.
Theo quy định của Luật, phá sản chỉ là một trong số các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và đó chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thực hiện được theo phương án nào thì Chính phủ mới xem xét cho phá sản.
"Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, nên chắc chắn là Chính phủ nếu xem xét vấn đề này phải cân nhắc rất kỹ, đặc biệt là phải đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự xã hội", Phó thống đốc khẳng định.
Để triển khai các quy định mới của Luật, ông Nguyễn Kim Anh cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, đồng thời sẽ tổ chức hội nghị toàn ngành ngân hàng để giới thiệu, hướng dẫn thực hiện.
Chấm dứt "xin - cho" trong quy hoạch
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu giới thiệu các nội dung đáng chú ý của Luật Quy hoạch.
"Việc ban hành Luật Quy hoạch có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vì đây là cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xây dựng các quy hoạch của thời kỳ 2021-2030", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng Luật Quy hoạch sẽ khắc phục được tình trạng "xin - cho" các dự án trong quy hoạch thông qua việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, làm lãng phí nguồn lực quốc gia.
Nội dung đáng chú ý nhất của luật này là quy định về hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch.
Theo đó, hệ thống quy hoạch gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch ngành chỉ được lập cho các ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học).
Việc lập quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc: Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới; quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước.
Tại cuộc họp báo, ông Giang Sơn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, đã trình bày lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua, bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Quản lý nợ công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.