|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu: Vẫn còn quy định chồng chéo, 'đánh đố' doanh nghiệp

10:28 | 04/04/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng chỉ ra: Luật Quy hoạch đô thị quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt, trường hợp này không khác gì "đánh đố" doanh nghiệp.

Đánh giá về hệ thống văn bản pháp luật tại Hội thảo Công bố báo cáo Dòng chảy Pháp luật Kinh doanh Việt Nam 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 4/4, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản pháp luật.

Trình bày báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho hay, trong những năm gần đây, doanh nghiệp phản ánh khá nhiều về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo thành “điểm nghẽn” của môi trường đầu tư.

Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp khắc phục, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng. Chẳng hạn, năm 2020, Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ tiến hành rà soát 11 nhóm vấn đề liên quan đến kinh doanh, hay ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành một luật sửa 8 luật về kinh doanh, để gỡ vướng cho một số hoạt động đầu tư.

Tuy vậy, các hoạt động này chỉ mang tính chất “giải quyết tình huống”, sửa chữa một vài quy định bất cập mà chưa xem xét một cách tổng thể hệ thống văn bản pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI. (Ảnh: Hạ An).

Việc thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu vào các luật như: đất đai, đấu thầu, đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Giữa các văn bản này đang tồn tại nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, gây khó cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Năm 2022, phần lớn các luật này (trừ Luật Đầu tư) đều được xem xét sửa đổi. Đây là cơ hội để đánh giá và sửa đổi một cách toàn diện những quy định còn hạn chế, góp phần tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư kinh doanh, khai thông các “điểm nghẽn” đầu tư.

Bước sang năm 2023, sẽ có nhiều Luật quan trọng được đưa ra thảo luận và thông qua, gồm:Luật Đất đai (sửa đổi),Luật Nhà ở(sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản(sửa đổi), Luật Đấu thầu(sửa đổi),...VCCI đánh giá, các luật đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tổng kết thi hành đầy đủ, đánh giá tác động các chính sách mới khá toàn diện.

Đặc biệt, đối với Luật Đất đai, là đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, việc soạn thảo được quan tâm hơn cả. Hiếm có văn bản luật nào lại nhận được sự chỉ đạo sát sao của Đảng như vấn đề về đất đai.

Có đến 4 Nghị quyết của Đảng và một Kết luận của Bộ Chính trị đề cập đến vấn đề về sửa đổi Luật Đất đai, trong đó Nghị quyết số 18 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trở thành “kim chỉ nam” cho lần sửa đổi này. "Một điểm đáng lưu ý trong hoạt động sửa đổi các luật này là hoạt động rà soát những điểm vướng, chồng chéo của các quy định", ông Đức cho hay.

Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai đã rà soát 88 luật có nội dung quy định đề cập đến vấn đề đất đai, trong đó xác định có 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai.  Cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã thực hiện rà soát 84 văn bản và phát hiện 12 nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo và 24 nội dung quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn.

Sự chuẩn bị công phu, tích cực của các cơ quan làm luật đưa đến hi vọng các chính sách tới sẽ tháo gỡ các “nút thắt” của thể chế, khai thông các “điểm nghẽn” của hoạt động đầu tư thời gian qua, ông Đức nhìn nhận.

Nhiều điểm chồng chéo trong quy định về đầu tư BĐS

Hội thảo Công bố báo cáo Dòng chảy Pháp luật Kinh doanh Việt Nam 2022. (Ảnh: Hạ An).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhấn mạnh, tính ổn định của pháp luật làm cho tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và các nhà đầu tư lớn yên tâm hơn.

Theo ông Hiệp, có thể nói năm 2022 là một năm đỉnh điểm của việc hoàn chỉnh, sửa đổi biên soạn lại hệ thống luật pháp của nước ta. Hàng loạt các luật tác động trực tiếp vào sự phát triển kinh tế được chỉnh sửa, biên soạn lại như: Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…

Việc quyết định chỉnh sửa, biên soạn lại hàng loạt các đạo luật quan trọng chỉ rõ một điểm: lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy rõ sự bất cp, cản trở của hàng rào pháp lý đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng.

Hiện tại, chỉ lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động, trong đó có nhiều điểm không đồng nhất nên các dự án khiến doanh nghiệp và các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.

Ông Hiệp nêu ví dụ như Luật Quy hoạch đô thị thì quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Như vậy chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất, không khác gì "đánh đố" doanh nghiệp, ông Hiệp đánh giá.

Hay Luật Kinh doanh bất động sản Điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhưng ở Luật đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận. Đây chỉ là một vài ví dụ về sự chồng chéo, không thống nhất giữa các luật, ông Hiệp chỉ ra.

"Chúng tôi cho rằng trong lần rà soát, chỉnh sửa lại một loạt các luật quan trọng như hiện nay cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật để tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Giải quyết được vấn đề này là sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp khỏi các ách tắc, chờ đợi mất thời gian mà thời gian là tiền bạc của doanh nghiệp", Chủ tịch VACC nói. 

Hạ An