|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Không nên quy hoạch sử dụng đất đồng loạt 10 năm, có những dạng phải để 20, 30 năm'

13:35 | 13/11/2018
Chia sẻ
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến, việc quy hoạch sử dụng đất đai đồng loạt 10 năm là không nên. Điều này khiến các NĐT băn khoăn lo lắng, từ quy hoạch này người ta khó để làm quy hoạch về sản xuất, kinh doanh, đời sống... Có những dạng chúng ta phải quy hoạch 20 năm, 30 năm...

Quốc hội vừa mới thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, trong đó vấn đề về quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (nay được đổi tên thành quy hoạch xây dựng tỉnh) nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến từ phía các cử tri.

Có nên lập quy hoạch xây dựng tỉnh?

Có tới 24/37 ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không lập quy hoạch xây dựng tỉnh vì nội dung và mức độ chi tiết của quy hoạch xây dựng tỉnh trùng với quy hoạch tỉnh tại Luật Quy hoạch. Có 6/37 ý kiến đề nghị cần có quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành riêng trong Luật Xây dựng (sửa đổi); 7/37 ý kiến đề nghị nếu có quy hoạch xây dựng tỉnh phải quy định ngay trong luật nội dung cụ thể quy hoạch và không được trùng lặp với quy hoạch tỉnh.

khong nen quy hoach su dung dat dong loat 10 nam co nhung dang phai de 20 30 nam
Có nên quy hoạch sử dụng đất đai đồng loạt 10 năm? Ảnh minh họa.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kim Giang) cho biết, bà đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng phải có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh hay gọi tắt là quy hoạch xây dựng tỉnh.

Giải thích cho việc này, bà Kim Bé cho hay, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh có tính chất đặc thù và kỹ thuật cao bởi quy hoạch vùng tỉnh có vai trò định hình không gian vật thể của vùng đô thị, nông thôn và các khu chức năng đặc thù trong tỉnh trên cơ sở nhu cầu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh trong hệ thống quy hoạch xây dựng gồm các báo cáo thuyết minh và hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch có nội dung yêu cầu riêng biệt các thông số kỹ thuật, chỉ tiêu và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch xây dựng vùng tỉnh có mối quan hệ mang tính biện chứng không tách rời với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là điều kiện và sự tiếp tục của nhau.

khong nen quy hoach su dung dat dong loat 10 nam co nhung dang phai de 20 30 nam
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang). Ảnh: Quochoi.

Thực tiễn cho thấy, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh là một công cụ quản lý nhà nước có hiệu quả để điều chỉnh lĩnh vực đầu tư xây dựng, đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài và có tác dụng quan trọng trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Kim Bé nêu ví dụ, tại tỉnh Kiên Giang qua 8 năm thực hiện quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1180 ngày 02/06/2010 đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

Một, đã định hình không gian phát triển của tỉnh như hình thành các phân vùng chức năng phức hợp với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái và điều kiện kinh tế - xã hội của 4 vùng như vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Tây sông Hậu, vùng bán đảo Cà Mau và vùng hải đảo.

Hai, quy hoạch xây dựng tỉnh Kiên Giang là căn cứ để tỉnh xây dựng, phát triển các khu đô thị trong tỉnh trở thành các trung tâm kinh tế của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long như Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên...

Ba, xác định vị trí, quy mô của các đầu mối hạ tầng kỹ thuật trong tỉnh trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Kiên Giang đã được nghiên cứu, đề xuất vị trí, quy mô của hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của tỉnh làm cơ sở hình thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như trạm cấp nước, xử lý nước thải nghĩa trang... Nhằm giải quyết các vấn đề hạ tầng kỹ thuật tại đô thị trọng điểm như Rạch Giá, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc và các khu vực nông thôn phụ cận.

Bốn, định hướng phát triển các khu động lực phát triển như khu trung tâm du lịch thương mại đô thị chuyên ngành như ở Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Nam Du đã mang lại hiệu quả về đầu tư phát triển cho tỉnh trong 8 năm qua.

Năm, định hướng cho công tác lập quy hoạch xây dựng huyện nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang đã căn cứ vào quy hoạch xây dựng vùng tỉnh để chỉ đạo thực hiện lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Hiệp. Đây là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Kiên Giang.

Ngược với quan điểm của bà Kim Bé, nhiều ý kiến thể hiện sự không đồng tình với việc lập quy hoạch xây dựng tỉnh.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An) cho hay, nếu ban hành quy hoạch xây dựng vùng tỉnh thì khi chúng ta lập quy hoạch tỉnh tại Luật Quy hoạch thì phải xem lại quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, nội dung chúng ta phải đưa vào tích hợp trong nội dung quy hoạch tỉnh thì sẽ có sự trùng lặp. Mặt khác, quy hoạch tỉnh sẽ được cụ thể hóa bằng quy hoạch vùng, liên huyện và quy hoạch vùng huyện cũng như quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

"Do đó, tôi thấy vấn đề chúng ta phải đặt ra để tránh sự trùng lắp, lãng phí, gây khó khăn, phức tạp trong triển khai, thực hiện. Đặc biệt, trong thực tế quản lý, triển khai hiện nay, ở địa phương rất cần quy hoạch thống nhất, tránh chồng chéo và có tính tích hợp cao, triển khai thực hiện có tính khả thi", ông Đỉnh nói.

Theo ông Đỉnh, hiện nay đã có 58 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 5 quy hoạch xây dựng thành phố trực thuộc trung ương đã có cấp thẩm quyền phê duyệt và có 15 tổ chức, địa phương đang điều chỉnh thì "khi luật này ra đời bỏ ngay các quy hoạch này thì chưa đúng. Bởi lẽ chúng ta có thể điều chỉnh vấn đề này thông qua điều khoản chuyển tiếp".

Quy hoạch sử dụng đất đai đồng loạt 10 năm khiến NĐT lo lắng, khó làm ăn, kinh doanh

Bàn về vấn đề quy hoạch sử dụng đất đai, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) nêu ý kiến, tại trang 17 của luật này, Điều 6 chúng ta sửa Luật Đất đai năm 2013, trong này có nói “nguyên tắc của lập quy hoạch sử dụng đất phải tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây”.

"Tôi tán thành việc đặt ra nguyên tắc này nhưng có điểm b là "Bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng" tôi nhất trí và thêm là: "Bảo vệ nghiêm ngặt đất đáy biển và ven biển. Bảo vệ nghiêm ngặt đất đáy sông và ven sông. Bảo vệ nghiêm ngặt đất mặt nông nghiệp". Có tình trạng nhiều nơi cào lớp đất mặt đem đi bán đất mặt nông nghiệp, rồi bảo vệ nghiêm ngặt đất tài nguyên các loại. Có những loại đất thực chất là tài nguyên, như đất hiếm là tài nguyên cực kỳ quan trọng. Bảo vệ nghiêm ngặt như thế nào, sẽ có quy định về chuyện đó là bảo vệ phải sử dụng, nhưng sử dụng kết hợp với bảo vệ như thế nào. Trong này nói bao gồm cả chuyện khai thác cát, sỏi đá bừa bãi..."

khong nen quy hoach su dung dat dong loat 10 nam co nhung dang phai de 20 30 nam
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM). Ảnh: Người Lao động.

Tại Điều 36 của luật này về hệ thống quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, ông Nghĩa cho hay, nói chung, các dạng quy hoạch đều dùng thời kỳ 10 năm.

“Tôi e ngại sự bình quân và đồng loạt của 10 năm này. Ví dụ Điều 37 chúng ta nói thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, hầu hết các đồng chí để quy hoạch 10 năm. Quy hoạch là để ổn định, chúng ta phát triển hoàn chỉnh quy hoạch đến đâu là ổn định đến đó, có những quốc gia họ quy hoạch vài trăm năm vẫn ổn định. Như Paris 600 năm nay đô thị của họ vẫn ổn định. Chúng ta cho quy hoạch cứ 10 năm thay đổi một lần thì các nhà đầu tư băn khoăn lo lắng, từ quy hoạch này người ta khó để làm quy hoạch về sản xuất, kinh doanh, đời sống... Tôi đề nghị, có những quy hoạch chúng ta nên để thời kỳ quy hoạch đất ít nhất 10 năm, có những dạng chúng ta phải quy hoạch 20 năm, 30 năm, không nên đồng loạt 10 năm như thế này. Đây là một điểm tôi góp ý để các đồng chí rà soát thêm”, ông Nghĩa kiến nghị.

Tại Điều 38 có nói tới một nhóm đất chưa sử dụng. Ông Nghĩa cho hay, trong này liệt kê việc lập quy hoạch đất quốc gia phải tuân thủ các quy định... và bao gồm có đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và có một cụm từ "nhóm đất chưa sử dụng".

Ông Nghĩa đề nghị thêm một từ nữa là nhóm đất dự trữ. Đại biểu Nghĩa cho biết, trong luật chúng ta không quy hoạch đất dự trữ, đất đó chưa dùng đến, đất đó có thể để cho thế hệ tương lai. Có nhiều quốc gia, tài nguyên được dự trữ lại để cho các thế hệ tương lai, như Mỹ là một ví dụ điển hình. Họ rất nhiều tài nguyên không khai thác, như dầu mỏ...

“Nếu chúng ta chỉ dùng nhóm đất chưa sử dụng, có nghĩa chúng ta muốn sử dụng lúc nào cũng được. Còn đất dự trữ chúng ta có ý đồ, có chiến lược để dành đó cho phát triển tương lai. Chúng tôi đề nghị thêm cụm từ nhóm đất dự trữ. Tất nhiên dự trữ phải có luận cứ, phải có khoa học, phải có chiến lược dài hạn... để nhìn thấy những mục tiêu có thể 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm sau phát sinh chúng ta còn đất để chúng ta thực hiện các dự án của mình”, ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề nghị đưa quy hoạch sử dụng biển là một nội dung của quy hoạch vùng biển quốc gia.

Xem thêm

Khánh Hà