|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

OPEC giảm sản lượng dầu: Kế sách nào đã giúp Nga lợi đủ đường?

08:00 | 11/12/2016
Chia sẻ
Theo Bloomberg News, chỉ bằng cách nói sẽ hợp tác với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để cắt giảm sản lượng dầu mỏ, Nga đã thu về gần 6 tỷ USD bởi riêng tin tức này đã đẩy giá dầu lên cao. Còn sau khi thỏa thuận được thông qua, Nga vẫn là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
opec giam san luong dau ke sach nao da giup nga loi du duong Các nước ngoài OPEC đồng thuận cắt giảm hơn 600.000 thùng dầu/ngày

Theo thỏa thuận về cắt giảm sản lượng được OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC thông qua hôm 30/11, các nước OPEC sẽ cắt giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày, xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày, còn các nước xuất khẩu ngoài OPEC cũng sẽ giảm tổng cộng 600.000 thùng/ngày.

Ngay lập tức, giá dầu thô trên thị trường đã tăng 7% so với trước đó 3 ngày, và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa.

opec giam san luong dau ke sach nao da giup nga loi du duong

Nga đã, đang và sẽ thu lợi lớn khi hợp tác với OPEC để giảm sản lượng dầu.

Nga và Ả Rập Xê-út là hai nước có mức cắt giảm lớn nhất trong thỏa thuận. Ả Rập Xê-út phải cắt giảm 486.000 thùng/ngày, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng mà các nước OPEC phải giảm, còn Nga phải cắt giảm 300.000 thùng/ngày, chiếm 50% sản lượng mà các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC phải cam kết.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, trong khoảng từ cuối tháng 8/2016 đến tháng 10/2016, Nga đã kịp tăng sản lượng dầu lên mức cao kỉ lục, tăng thêm tới 520.000 thùng/ngày. Do vậy, giờ đây, dù Nga có đồng ý cắt giảm khoảng 2,7% (300.000 thùng/ngày) so với mức hiện tại như đã cam kết với OPEC thì sản lượng dầu của Nga vẫn cao hơn so với hồi tháng 8/2016.

Tóm lại, bề ngoài Nga sẽ cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu theo đúng cam kết với OPEC nhưng thực chất sản lượng sản xuất dầu của Nga chẳng những không giảm mà còn tăng lên 220.000 thùng/ngày so với hồi tháng 8/2016. Theo Bloomberg, bằng cách đó, Nga đã khéo léo thu lợi dù có thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng với OPEC.

Hơn nữa, Nga còn có một điều kiện “ưu ái” trong cam kết giảm sản lượng dầu mỏ với OPEC. Nhiều giếng dầu lớn nhất của Nga đều nằm dưới các lớp băng ở vùng Siberia. Chỉ cần đóng cửa trong một thời gian ngắn hoặc giảm tần suất khai thác, các lớp băng mới sẽ hình thành và chi phí sẽ tăng lên rất nhiều khi khai thác trở lại. Do vậy, theo Bloomberg, trong bản thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC, phần nói về mức cắt giảm của Nga được thêm vào ý “nếu điều kiện kỹ thuật cho phép”.

Bên cạnh đó, OPEC không có cơ chế trừng phạt đối với các nước không tuân thủ và tất nhiên lại càng không đối với một nước bên ngoài OPEC như Nga. Ả Rập Xê-út thường áp dụng hình thức nâng sản lượng để giảm giá dầu nhằm trừng phạt các quốc gia không tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, hiện tại, nước này không thể làm vậy bởi sẽ để mất thị phần vào tay Nga và Iran. Nói tóm lại, dù giờ đây thỏa thuận với OPEC bị xóa bỏ, Nga cũng đã thu được nhiều lợi ích và cũng chẳng mất thêm gì.

Phạm Khánh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.