OPEC+ có thể gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp 5/12?
Theo Financial Times, OPEC+ đang cắt giảm gần 6 triệu thùng dầu mỗi ngày (tương đương 6% nguồn cung toàn cầu) nhằm nâng giá bán. Vào tháng 6, nhóm này đã đồng ý duy trì phần lớn sản lượng bị cắt giảm nhưng sẽ từ từ nới lỏng 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 9. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng liên tục bị trì hoãn khi thị trường vẫn yếu, với giá dầu Brent giảm hơn 9% kể từ cuộc họp tháng 6 và hiện giao dịch trong biên độ hẹp. Hôm thứ Tư (4/12), giá dầu Brent giảm 1,4% xuống còn 72,58 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng OPEC+ đang thận trọng chờ xem chính quyền mới của Mỹ sẽ tác động như thế nào đến nguồn cung dầu toàn cầu trước khi hành động. Ông Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, nhận định: “Hành động hợp lý nhất là tiếp tục chờ đợi thêm một quý nữa”.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, xuất khẩu dầu của Iran đã phát triển mạnh. Hầu hết lượng dầu này được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng ông Trump đã đe dọa áp thuế lên một số nhà sản xuất dầu và dự định khôi phục chính sách “áp lực tối đa” để buộc Iran ngừng hoàn toàn xuất khẩu dầu. Ông Amrita Sen tại Energy Aspects nhận xét: “Ông Trump là một ẩn số lớn. Thuế quan có thể làm giảm giá, nhưng mức độ áp lực với Iran cũng chưa rõ ràng, khiến thị trường khó đưa ra quyết định”.
Jorge Leon, cựu nhân viên OPEC và hiện làm việc tại công ty tư vấn năng lượng Rystad, dự đoán nhóm sản xuất sẽ chọn phương án an toàn và gia hạn cắt giảm sản lượng thêm từ hai đến ba tháng. Tuần này, Mỹ đã công bố trừng phạt một số tàu chở dầu xuất khẩu từ Iran, khiến giá dầu tăng khoảng 3% trong ngày.
Một nhà phân tích giấu tên cho rằng Arab Saudi không muốn bị đánh giá là quá vội vàng bù đắp phần sản lượng bị thiếu hụt nếu các lệnh trừng phạt lên dầu Iran phát huy hiệu quả. Quyết định trì hoãn cũng giúp OPEC+ có thêm thời gian đánh giá nhu cầu dầu từ Trung Quốc, đồng thời tránh đưa ra quyết định trong giai đoạn bảo trì nhà máy lọc dầu vào mùa đông, khi nhu cầu thường giảm.
Tuy nhiên, những bất đồng trong nội bộ OPEC+ vẫn là một vấn đề nổi cộm, đặc biệt khi Iraq, Kazakhstan và UAE đang muốn tăng hạn ngạch sản lượng cơ bản sau khi đầu tư mở rộng công suất. Việc nhóm này hoãn họp bốn ngày, với lý do trùng lịch với một cuộc họp của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, càng làm dấy lên lo ngại về sự thiếu đồng thuận.
Hiện tại, UAE đang vượt hạn ngạch 1 triệu thùng/ngày, trong khi Iraq và Kazakhstan lần lượt vượt 350.000 và 50.000-100.000 thùng/ngày.
Ông Raad Alkadiri đến từ công ty tư vấn rủi ro 3TEN32 nhận định: “Nếu sự tuân thủ hạn ngạch suy giảm, điều này cũng chẳng khác gì việc nới lỏng thoả thuận thắt chặt sản lượng, chỉ là việc này thực hiện một cách âm thầm hơn”.