|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump dọa không ký dự luật cứu trợ mới, muốn tăng mức hỗ trợ tiền mặt từ 600 USD lên 2.000 USD/người

13:35 | 23/12/2020
Chia sẻ
Đêm 22/12, chưa đến một ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói tài khóa 2.300 tỷ USD, Tổng thống Trump đã khiến công chúng hoang mang về tương lai của dự luật cứu trợ COVID-19 bổ sung khi đe dọa không thông qua dự luật này.
Ông Trump dọa không ký dự luật cứu trợ COVID-19, yêu cầu chi tiền mặt 2.000 USD/người - Ảnh 1.

Tổng thống Trump chê dự luật cứu trợ COVID-19 "đáng hổ thẹn". (Ảnh: Bloomberg).

Trong một video bất ngờ đăng tải trên Twitter tối ngày 22/12, ông Trump chê trách dự luật cứu trợ COVID-19 bổ sung là "đáng hổ thẹn" khi chi quá ít để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các nhà hàng trên khắp nước Mỹ.

Ông Trump còn phàn nàn dự luật chi tiêu chính phủ chứa đầy những thứ "lãng phí và không cần thiết" như viện trợ cho nước ngoài, Viện Smithsonian và ngành thủy sản.

Theo Bloomberg, đương kim Tổng thống Mỹ yêu cầu các nhà lập pháp tăng khoản chi tiền mặt cho người dân từ "mức thấp đến vô lý" là 600 USD/người lên 2.000 USD/người hoặc 4.000 USD/cặp vợ chồng.

"Tôi đang yêu cầu Quốc hội sửa đổi dự luật này", ông Trump nói. "Gửi cho tôi một dự luật cứu trợ bổ sung phù hợp hơn, nếu không người dân sẽ phải chờ cứu trợ từ chính quyền sắp tới. Có thể chính quyền đó do tôi quản lý, thế thì công việc sẽ hoàn thành nhanh thôi".

Sau nhiều tháng bế tắc, cuối ngày 21/12, gói tài khóa mới cuối cùng đã được lưỡng viện thông qua với tỷ lệ áp đảo: 359 phiếu thuận - 53 phiếu chống ở Hạ viện và 92 phiếu thuận - 6 phiếu chống ở Thượng viện.

Gói tài khóa 2.300 tỷ USD này bao gồm một dự luật chi tiêu ngân sách 1.400 tỷ USD cho phép chính phủ hoạt động đến tháng 9/2021 và một dự luật cứu trợ COVID-19 bổ sung 900 tỷ USD mà người dân Mỹ đang rất cần.

Hoạt động của chính phủ Mỹ đang dựa vào gói chi tiêu tạm thời, có hiệu lực đến ngày 28/12 nên dự luật chi tiêu ngân sách 1.400 tỷ USD đang rất được mong chờ. Các khoản cứu trợ kinh tế trước đây đang dần cạn kiệt, khiến hàng triệu người dân Mỹ phải đối mặt với viễn cảnh u ám như mất trợ cấp thất nghiệp, đói ăn, bị đuổi khỏi nhà,...

Trước video của ông Trump, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin đã lên tiếng ca ngợi gói cứu trợ COVID-19 bổ sung. Theo ông Mnuchin, gói cứu trợ này sẽ mang đến "các khoản viện trợ kinh tế quan trọng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ".

Nếu các nhà lãnh đạo Quốc hội muốn, họ có thể sửa đổi dự luật. Nếu không, ông Trump có thể chọn ký dự luật thành luật, phủ quyết hoặc không làm gì và để dự luật tự thành luật.

Nếu Quốc hội đồng ý sửa đổi dự luật, hoàn thành công việc trước ngày 28/12 có thể rất khó khăn. Bằng chứng là phải mất hàng tháng liền thì lưỡng đảng Mỹ mới có thể đồng ý với các điều khoản trong dự luật cứu trợ bổ sung và dự luật chi tiêu chính phủ.

Ngay cả khi các nhà lãnh đạo Quốc hội muốn sửa dự luật, quá trình bỏ phiếu tại Hạ viện và Thượng viện sẽ còn rối rắm hơn, Reuters nhấn mạnh. Hơn nữa, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa có thể phản đối đề xuất phát tiền mặt 2.000 USD/người vì giá trị của dự luật cứu trợ sẽ tăng lên hơn 1.000 tỷ USD.

Bình luận về video của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hoan nghênh lời kêu gọi phát tiền mặt trực tiếp 2.000 USD/người của đương kim Tổng thống Mỹ.

"Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa không chịu tiết lộ ông Trump muốn phát bao nhiêu tiền mặt cho người dân. Cuối cùng, ông Trump đồng ý với con số 2.000 USD/người, khoản tiền mà Đảng Dân chủ muốn đề xuất trong tuần này. Thế thì hãy phát 2.000 USD cho mỗi người dân!", bà Pelosi nói.

Hạ viện đã giải tán sau khi thông qua dự luật cứu trợ bổ sung và dự kiến trở lại vào ngày 28/12, còn Thượng viện dự kiến sẽ quay lại làm việc từ ngày 29/12.

Ngay sau video, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một trong các đồng minh thân cận của ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ với gói cứu trợ.

"Gói cứu trợ COVID-19 bổ sung, dù không hoàn hảo nhưng sẽ bảo vệ được nhiều việc làm và sinh mạng. Càng sớm thông qua dự luật cứu trợ càng tốt!", bà Graham đăng tweet.

Yên Khê

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.