Ông Trump chuẩn bị gặp nhà đàm phán thương mại số 1 Trung Quốc
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc trên bàn đàm phán thương mại ở Washington ngày 21/2 - Ảnh: Reuters. |
Theo tin từ Bloomberg, cuộc gặp giữa ông Trump với ông Lưu Hạc đã được đưa vào lịch làm việc hàng ngày của Nhà Trắng, với thời điểm điễn ra là 2h30 chiều. Sự kiện này sẽ khép lại vòng đàm phán thương mại song phương đang diễn ra ở Washington.
Nhiều nhà quan sát đánh giá rằng cuộc gặp này là một tín hiệu khả quan rằng đàm phán đã đạt được mức tiến đủ lớn để dẫn tới cuộc gặp trực tiếp giữa người đứng đầu Nhà Trắng với nhà đàm phán thương mại số 1 của Trung Quốc, đồng thời cũng được coi là "cánh tay phải" về kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc gặp gần đây nhất giữa ông Trump với ông Lưu Hạc diễn ra vào tháng 1 ở Washington, cũng sau một vòng đàm phán thương mại giữa hai nước. Sau lần gặp đó, ông Lưu Hạc trở thành đặc phái viên của ông Tập, đặt ra những đồn đoán rằng ông được trao thẩm quyền lớn hơn để đi đến một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Trong lúc các cuộc thảo luận tiếp diễn vào ngày thứ Năm, xuất hiện nhiều thông tin nói rằng các nhà đàm phán đang vạch ra các biên bản ghi nhớ (MoU) tạo cơ sở cho một thỏa thuận cuối cùng. Các biên bản ghi nhớ này bao trùm các lĩnh vực nông nghiệp, hàng rào phi thuế quan, dịch vụ, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ - nguồn thạo tin cho hay.
Theo kế hoạch, nếu Mỹ-Trung không đạt thỏa thuận trước khi kết thúc ngày 1/3, thì Mỹ sẽ tăng thuế bổ sung áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25% từ mức 10% hiện tại. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi đàm phán tiến triển, ông Trump liên tục phát tín hiệu sẽ lùi thời hạn này.
Giới thạo tin cũng tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng Trung Quốc đã đề xuất mua thêm 30 tỷ USD hàng nông sản Mỹ mỗi năm, bao gồm đậu tương, ngô và bột mỳ, như một phần trong thỏa thuận tiềm năng giữa hai nước.
Ngoài ra, giới thạo tin cũng nói Mỹ đang đề xuất Trung Quốc giữ ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ nhằm chặn trước bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm phá giá đồng tiền để chống lại tác động của thuế quan Mỹ.
Tờ Financial Times dẫn nguồn thạo tin cho biết các nhà đàm phán Mỹ-Trung cũng đang cố gắng giải quyết tranh chấp giữa hai hãng sản xuất con chip Micron và Fujian, xem đây như một phần của thỏa thuận lớn.
Giới đầu tư toàn cầu hiện đang theo dõi các diễn biến cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với tâm trạng hồi hộp. Bất kỳ trở ngại nào đối với việc đạt một thỏa thuận cũng có thể gây lo ngại lớn, bởi căng thẳng Mỹ-Trung đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thế giới.
Hôm thứ Năm, tập đoàn vận tải biển khổng lồ Maersk cảnh báo rằng lợi nhuận của hãng sẽ không đạt kỳ vọng và triển vọng kinh doanh của năm nay rất u ám. Thời gian gần đây, các cường quốc xuất khẩu của châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản đều công bố số liệu cho thấy xuất khẩu đi xuống.
Xem thêm |