Ông Trần Bắc Hà đã đi Singapore chữa bệnh ngày 7/1
Đầu phiên toà xét xử Phạm Công Danh ngày 16/1, đại diện của ông Trần Bắc Hà cho biết ông Hà đã nhập viện tại Singrapore để điều trị, thời gian nhập cảnh vào ngày 7/1.
Khi nhận được triệu tập của tòa án, ông Hà không có ý kiến nhờ luật sư bảo vệ cho mình trừ trường hợp ông có mặt tại phiên tòa. Do đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận yêu cầu bào chữa của Luật sư.
Ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV |
Trong lần xét xử này, HĐXX đã triệu tập ông Trần Bắc Hà ra tòa với tư cách người làm chứng và người liên quan trong vụ án. Ông Trần Bắc Hà nhiều lần được triệu tập đến tòa để tham gia tố tụng nhưng đều vắng mặt. Sau đó, toà mới nhận được đơn xin phép vắng mặt với lý do chữa bệnh ung thư, sức khoẻ giảm sút.
Trong phiên xét xử ngày 13/1, đại diện Viện Kiểm sát cho biết theo hồ sơ ông Trần Bắc Hà bị ưng thư gan từ năm 2012. Đồng thời đề nghị HĐXX kiểm tra lại quá trình đi chữa bệnh của ông Hà trong thời gian trên, xác định thông tin từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có đi tái khám hay không đi.
Thời điểm năm 2013, ông Trần Bắc Hà là người đứng đầu phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc ủy ban quản lý rủi ro của BIDV. Với cương vị của mình, ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn, sau đó, BIDV chấp thuận cho 12 công ty vay số tiền 4.700 tỉ đồng. Theo giải trình của ông Hà gửi cơ quan điều tra, hồ sơ 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn là do ban chức năng của BIDV thực hiện, cá nhân ông không trực tiếp tiếp nhận các hồ sơ, tài liệu mà chỉ xem xét trên cơ sở báo cáo, đánh giá đề xuất của các ban chuyên môn. Qua xem xét, ông Hà nhận thấy việc cho 12 công ty vay vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Chính vì vậy, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, ông đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng đầu tư với nội dung phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng. Ông Hà cho rằng cá nhân ông đã thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ của chủ tịch ủy ban quản lý rủi ro. Tuy nhiên, ông thừa nhận qua kiểm tra thấy các chi nhánh BIDV đã có một số thiếu sót như chưa kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng trong hồ sơ vay vốn, không lập phiếu đánh giá khách hàng về tình hình tài chính. |