|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Tập muốn xây dựng hình ảnh Trung Quốc 'đáng mến'

16:53 | 02/06/2021
Chia sẻ
Chính sách ngoại giao chiến lang mà Trung Quốc thực hiện trong thời gian qua đã hứng chịu nhiều ý kiến tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Giờ đây ông Tập muốn Trung Quốc "chừng mực và khiêm tốn" trong giao tiếp với các nước khác.
Ông Tập muốn xây dựng hình ảnh 'đáng yêu' cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters).

Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức Trung Quốc tạo ra hình ảnh "đáng tin cậy, đáng mến và đáng kính" cho đất nước. Động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định xoa dịu đường lối ngoại giao cứng rắn.

Hôm 31/5, ông Tập nói với các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc rằng đất nước phải "tăng cường kết bạn, đoàn kết với đa số và liên tục mở rộng vòng tròn bạn bè với những ai hiểu và thân hiện với Trung Quốc", theo tờ Tân Hoa Xã.

Ông Tập nói thêm rằng Bắc Kinh cần "kiểm soát giọng điệu" khi giao lưu với thế giới, cần "cởi mở và tự tin, nhưng đồng thời giữ chừng mực và khiêm tốn".

Những lời nói trên cho thấy ông Tập có thể đang suy nghĩ lại về chiến lược giao thiệp trên trường quốc tế trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường quan hệ với các nước đồng minh. Cho đến nay ông Tập đã bỏ qua chiến lược "ẩn mình chờ thời", tránh thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế mà Trung Quốc đã thực hiện trong hàng thập kỷ. Thay vào đó, ông Tập ưa chuộng "phong cách ngoại giao nước lớn", theo Bloomberg.

Trung Quốc ngày càng đáp trả những hành động được cho là làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của mình bằng các biện pháp thương mại, cấm đi lại và phản đối ngoại giao. Phong cách "ngoại giao chiến lang" này bị cho là nguyên nhân dẫn đến bước lùi trong mối quan hệ của Bắc Kinh với những nước sẵn sàng thân thiết hơn với Trung Quốc như Liên minh châu Âu (EU) và Philippines.

Ông Wang Yiwei, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh áp dụng chính sách ngoại giao cứng rắn để đối phó với những nước phương Tây coi nước này là mối đe dọa. Nhưng phong cách này làm mất lòng cả cộng đồng quốc tế lẫn người dân trong nước.

Ông Wang nhấn mạnh: "Hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây đã xấu đi kể từ đại dịch, vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc. Chỉ khi sự phát triển về quyền lực của Trung Quốc được thế giới chấp nhận thì đó mới là sự phát triển quyền lực thực sự".

Hiện chưa rõ liệu nỗ lực xây dựng hình ảnh thân thiện của ông Tập có ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc đối với những quốc gia có bất đồng như Mỹ, Australia và EU hay không. Khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện tại 14 nước có nền kinh tế phát triển cho thấy quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2020.

Theo ông Wang, phương Tây thấy lo ngại khi Trung Quốc nhấn mạnh tính ưu việt của mô hình quản lý nhà nước của mình so với các nền dân chủ. Ông Wang cũng cho rằng việc Trung Quốc chê bai các nước khác không kiểm soát được dịch là "hơi quá".

Ông Wang Wen, cố vấn chính phủ Trung Quốc cho biết: "Các nhà lãnh đạo nhận thấy rằng việc truyền tải sai hình ảnh của Trung Quốc đã dẫn tới tác động tiêu cực đến lợi ích cốt lõi quốc gia. Giới lãnh đạo mong rằng mọi cấp trong chính phủ sẽ chú ý đến truyền thông quốc tế và đóng vai trò tích cực trong việc truyền tải thông điệp ra thế giới".

Giang

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I ghi nhận sự xáo trộn lớn khi đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.