Ông Tập cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu phương Tây tăng lãi suất quá nhanh
Trung Quốc đang kêu gọi các ngân hàng trung ương phương Tây không tăng lãi suất quá nhanh để dập lạm phát khi nước này đi theo hướng ngược lại để chống sự giảm tốc của nền kinh tế.
Hôm 17/1, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nền kinh tế lớn thúc đẩy tăng trưởng bằng cách phối hợp chính sách trong bối cảnh thế giới vẫn đang cố gắng rũ mình khỏi hỗn loạn do đại dịch gây ra.
Ông Tập phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022: "Chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu đã bị gián đoạn. Giá hàng hóa tiếp tục tăng. Cung năng lượng vẫn eo hẹp. Những rủi ro này chồng chất lên nhau và làm tăng sự không chắc chắn về phục hồi kinh tế".
Ông cảnh báo về tác động của việc tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, nói rằng biện pháp này có thể đe dọa ổn định tài chính toàn cầu.
"Nếu các nền kinh tế lớn nhấn phanh hoặc quay ngoặt 180 độ với chính sách tiền tệ thì sẽ gây ra hiệu ứng lan tỏa đặc biệt tiêu cực", ông Tập khẳng định. "Hành động đó sẽ mang đến thách thức cho kinh tế toàn cầu và ổn định tài chính, và các nước đang phát triển sẽ phải chịu phần lớn gánh nặng".
Nhiều nhà hoạch định chính sách trên thế giới đang vật lộn với áp lực lạm phát gia tăng và bắt đầu kết thúc chương trình kích thích thời đại dịch.
Tháng trước Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu có thể tăng lãi suất ba lần trong năm 2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo sẽ dừng chương trình mua trái phiếu thời khủng hoảng vào tháng 3. Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất từ tháng trước, đi đầu trong số các ngân hàng trung ương lớn.
Các nhà hoạch định chính sách ở Đông Âu và Mỹ Latinh cũng đã tăng lãi suất mạnh mẽ để hạ nhiệt lạm phát, CNN cho biết.
Nhưng Trung Quốc lại đi theo lối khác khi nền kinh tế giảm tốc và đang phải chật vật duy trì động lực tăng trưởng trong lúc giữ vững chiến lược Zero-Covid nghiêm ngặt. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoc) đang nới lỏng van tiền để giữ cho thị trường ổn định.
Đầu tuần này, PBoC lần đầu tiên hạ một lãi suất chính sách kể từ tháng 4/2020. Tháng trước, ngân hàng cắt giảm cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc lẫn lãi suất cơ bản với khoản vay 1 năm.
Cũng trong hôm 17/1, Trung Quốc báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,1% cho cả năm 2021, vượt qua mục tiêu của chính phủ. Nhưng tăng trưởng ba tháng cuối năm lại chậm lại so với quý trước đó và được dự kiến là sẽ còn đi xuống hơn nữa vì COVID-19 và khủng hoảng bất động sản.
Fed có thể gây khủng hoảng tới Trung Quốc?
Các nhà kinh tế trong chính phủ ở Trung Quốc từ trước đã cảnh báo về hiệu ứng lan tỏa từ việc Fed tăng lãi suất.
Ông Zhu Baoliang, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc nói với tờ Financial News do PBoC hậu thuẫn rằng nước này cần quan sát và có thể phải ngăn chặn bất kỳ khủng hoảng tài chính nào bị gây ra bởi việc Fed tăng lãi suất: "Trong lịch sử, việc Fed tăng lãi suất đã nhiều lần gây ra khủng hoảng tài chính và kinh tế ở các nước khác".
Ông Zhu nói thêm rằng sự mất cân bằng có thể khiến dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Tiền đầu tư toàn cầu đã chảy vào trái phiếu Trung Quốc trong năm ngoái do có lợi suất tương đối cao với những nước khác. Dòng vốn vào mạnh mẽ đã góp phần biến nhân dân tệ thành một trong những đồng tiền có hiệu suất tốt nhât năm 2021.
Ông Zhu cũng kêu gọi chú ý đến thị trường trái phiếu USD đối với doanh nghiệp Trung Quốc, mà ông cho là đã mở rộng quá nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc đã phát hành trái phiếu USD và nếu chi phí vay tăng lên thì sẽ càng tạo ra rắc rối.
Ông Yang Shuiqing, nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng viết bài trên cổng thông tin nhà nước China.com rằng Fed tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu của Mỹ, ảnh hưởng đến xuất khẩu, đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo việc đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ hay châu Âu có thể tạo ra hỗn loạn kinh tế tại các nước đang phát triển.
Blog của IMF tuần trước viết: "Các nền kinh tế mới nổi nên chuẩn bị cho những đợt nhiễu loạn kinh tế tiềm tàng" do Fed tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ.
IMF viết rằng lối suy nghĩ về tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Mỹ đã thay đổi trong bối cảnh giá tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ. Trong khi đó cuộc phục hồi kinh tế tại các nước mới nổi lại không mạnh mẽ bằng, và các nước này đang đối mặt với "nợ công lên cao đáng kể".
"Fed tăng lãi suất nhanh hơn để phản ứng với lạm phát có thể gây rung lắc trên thị trường tài chính và thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu".
Đồng thời IMF cảnh báo về nhu cầu và thương mại chậm lại từ Mỹ và ảnh hưởng tới các nền kinh tế đang phát triển, vốn dựa vào xuất khẩu sang Mỹ.
Tháng 6 năm ngoái, các nhà kinh tế từ Fed viết rằng rủi ro lan tỏa sang các thị trường mới nổi phụ thuộc vào vài yếu tố, bao gồm tình hình trong mỗi khu vực và mức nhạy cảm và dễ bị tổn thương đối với lãi suất Mỹ gia tăng.