|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ ngồi vào 'ghế nóng' của Sacombank?

08:54 | 25/04/2017
Chia sẻ
Theo nguồn tin của Dân Việt, ông Đặng Văn Thành sẽ không quay về Sacombank và đại hội đồng cổ đông sắp tới của Sacombank dự kiến sẽ có sự xuất hiện của ông Nguyễn Đức Hưởng với vai trò là thành viên HĐQT.
ong nguyen duc huong se ngoi vao ghe nong cua sacombank Ông Nguyễn Đức Hưởng chính thức rời LienVietPostBank

Ông Nguyễn Đức Hưởng vừa chính thức rời ghế Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank để thực hiện nhiệm vụ mới của NHNN trong việc ...

ong nguyen duc huong se ngoi vao ghe nong cua sacombank

Ông Đặng Văn Thành bất ngờ rút lui khỏi Sacombank và dự kiến ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tham gia tái cơ cấu ngân hàng với vai trò là thành viên HĐQT (Ảnh: MH)

Mặc dù Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) bất ngờ thông báo chuyển ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) từ ngày 28.4 sang ngày 26.5 tới nhưng thị trường vẫn nghe ngóng về diễn biến nhân sự.

Lý do dừng đại hội, theo Sacombank là do ban tổ chức chưa hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự cho HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2020, ngoài ra các tài liệu phục vụ đại hội cũng chưa được chuẩn bị thỏa đáng.

Theo nguồn tin của Dân Việt, ông Đặng Văn Thành, cha đẻ của Sacombank, và nhóm cổ đông nước ngoài bất ngờ rút lui, không tham gia mua lại cổ phần của Trầm Bê và người có liên quan để quay trở lại ngân hàng này ngay trước ngày Sacombank thông báo hoãn lịch đại hội.

Trước đó, ông Thành và nhóm cổ đông gồm Evercore Group và Redsun Capital Limited đã gửi đề án tái cơ cấu Sacombank lên NHNN. Ông Thành xin phép NHNN tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank để thẩm định chính xác thực trạng Sacombank sau sáp nhập.

Ngoài ra ông Thành và nhóm cổ đông cũng đề xuất sẽ bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2017, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế là 309 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 3,78%.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I của Sacombank cũng cho thấy những vấn đề cần phải có những giải pháp đột phá mới có thể giải quyết được.

Cụ thể, trong quý I, nợ xấu là 10.082 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 6.602 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 4,88%, giảm so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm. Trong đó ghi nhận nợ có khả năng mất vốn giảm 469 tỷ đồng.

Trái phiếu VAMC tính đến cuối quý I là 37.760 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Riêng trong quý I, Sacombank đã bán nợ xấu cho VAMC là 460 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank là 23,1%. Có thể, tỷ lệ nợ xấu không dừng ở đấy khi nhìn vào khoản lãi dự thu của Sacombank. Hết quý I, Sacombank có các khoản phải thu hơn 42.048 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu là 26.009 tỷ đồng.

Đây có phải là lý do khiến ông Đặng Văn Thành và nhóm cổ đông quyết định rút lui trước thềm đại hội? Sự rút lui của ông Thành và nhóm cổ đông có phải là nguyên nhân chính khiến Sacombank không thể tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, 2016?

Được biết, quyết định rời ngày tổ chức ĐHĐCĐ của Sacombank sang ngày khác đã khiến nhà đầu tư và nhiều đối tác nước ngoài tỏ ra thất vọng và đánh tụt hạng mức tín nhiệm của ngân hàng. Lý do là vì đến nay Sacombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 và không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.

Đây chính là áp lực của cơ quan quản lý và việc tái cơ cấu Sacombank thế nào để ngân hàng hoạt động ổn định, vực dậy được niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư và đối tác nước ngoài.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập trình Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là lựa chọn cổ đông chiếu lược nước ngoài để thay Trầm Bê và những người có liên quan.

Quan điểm của NHNN về tái cơ cấu Sacombank là phải tạo được niềm tin cho thị trường, tâm lý khách hàng và sự tin tưởng của cơ quan quản lý. Do vậy, người ngồi vào ghế nóng của Sacombank sẽ phải đáp ứng được những tiêu chí như lấy lại được niêm tin thị trường, ổn định tâm lý khách hàng và ổn định được nội bộ của ngân hàng. Quan trọng hơn hết, người ngồi vào chức chủ tịch HĐQT của Sacombank phải là người có được sự tin tưởng của cơ quan quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo tôn chỉ thượng tôn luật pháp.

Trong một diễn biến có liên quan, chiều ngày 24.4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường để thay đổi nhân sự cao cấp và lên kế hoạch tăng vốn.

ong nguyen duc huong se ngoi vao ghe nong cua sacombank

Ông Nguyễn Đức Hưởng thôi chức phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (ảnh: MH)

Tại đại hội này, LienVietPostBank đã thông qua việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị và ông Phạm Hải Âu, Trưởng ban Kiểm soát.

Trước đó, ngày 7.4.2017, ông Nguyễn Đức Hưởng đã gửi đơn xin từ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch thường trực/thành viên HĐQT LienVietPostBank để góp phần tham gia công tác tái cơ cấu hệ thống NHTM của NHNN Việt Nam.

Dự kiến, trong ĐHĐCĐ sắp diễn ra của Sacombank sẽ không có sự tham gia của ông Đặng Văn Thành và có thể sẽ có sự góp mặt của ông Nguyễn Đức Hưởng. Diễn biến nhân sự của Sacombank sẽ còn tiếp diễn cho đến ngày đại hội, tuy nhiên, đến nay, nhân sự cho ghế chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc vẫn còn trống.

Câu hỏi đặt ra, nếu tham gia tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập, ông Hưởng có ngồi vào “ghế nóng” của Sacombank?

Trần Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.