Ông Lê Phước Vũ lý giải việc Hoa Sen không chia cổ tức tiền mặt: Nếu có chuyện là ngân hàng bóp cổ liền
Tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) diễn ra sáng nay 21/3, Hội đồng quản trị đề xuất phương án trả cổ tức niên độ 2020 – 2021 tỷ lệ tối đa 20% bằng cổ phiếu.
Khi nhà đầu tư hỏi về việc tại sao không trả cổ tức bằng tiền mặt, Chủ tịch Lê Phước Vũ nói: "Bài học của tôi những năm trước là chia nhiều quá, 20% - 25% bằng tiền mặt, đến lúc có chuyện là ngân hàng bóp cổ liền. Tôi cũng bị bóp cổ theo. Tôi nói luôn có đại diện Vietcombank ngồi đây".
"Ngân hàng giống như người chơi khăm chúng ta, nói đừng có buồn nha mấy ông giám đốc ngân hàng. Khi trời nắng thì ngân hàng đưa dù [cái ô – PV], trời mưa thì đòi cất dù. Tất nhiên làm ăn thì phải có ngân hàng để thanh toán, cùng win-win, nhưng mình phải nắm được linh hồn của mình, đừng giao linh hồn cho người ta", ông Vũ nói.
Chủ tịch Hoa Sen cho rằng việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp tập đoàn giữ được tiền mặt để tái sử dụng cho hoạt động kinh doanh: "Tập đoàn có tiền mặt dồi dào sẽ phát triển nhanh hơn, tốt hơn, giá trị công ty cao hơn, … giá trị cổ phiếu của quý vị tăng lên".
"Chúng ta phải nhìn cái lớn, cái xa, cái dài, không nhìn cái nhỏ, cái ngắn trước mắt. Nếu có bao nhiêu tiền đem chia hết, đến lúc khủng hoảng khó khăn thì thế nào đây, giá cổ phiếu lại xuống 4.000 – 5.000?", ông Lê Phước Vũ nói.
Khi một cổ đông khác tiếp tục thắc mắc việc tại sao tập đoàn không trả cổ tức tiền mặt, ông Vũ trả lời rằng công ty đại chúng có nhiều cổ đông nên cũng xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi biểu quyết.
Kết quả biểu quyết cho thấy đại hội thông qua tất cả tờ trình của hội đồng quản trị, bao gồm việc trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 10 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách sẽ được nhận thêm hai cổ phiếu mới.
Lịch sử cổ tức của Hoa Sen
Đúng như Chủ tịch Lê Phước Vũ nói trong đại hội sáng 21/3, Tập đoàn Hoa Sen từng trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20 – 25% mệnh giá, tức là 2.000 – 2.500 đồng/cp. Lần gần đây nhất là vào năm 2015.
Tuy nhiên trong những năm vừa qua, Hoa Sen đã giảm tỷ lệ cổ tức tiền mặt và chỉ trả bằng cổ phiếu, như thống kê bên trên cho thấy.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm tăng vốn điều lệ và số cổ phiếu lưu hành, giảm giá tính trên mỗi cổ phiếu, giúp cho thanh khoản trên thị trường chứng khoán cải thiện. Tiền mặt của công ty không thay đổi, số vốn điều lệ tăng lên đúng bằng số lợi nhuận chưa phân phối giảm đi.
Hoa Sen hiện có vốn điều lệ 4.935 tỷ đồng. Dự kiến sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, vốn của Hoa Sen sẽ tăng lên thành 5.922 tỷ. Như thống kê dưới đây cho thấy, đây sẽ là lần tăng vốn thứ 12 của Hoa Sen kể từ khi công ty lên sàn chứng khoán năm 2008.
Nguồn trả cổ tức được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2021 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, trị giá 5.633 tỷ đồng.
Khối nợ của Hoa Sen lớn đến đâu?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I niên độ 2022 của Hoa Sen cho thấy tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tại ngày 31/12/2021 là xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với ba tháng trước đó và là mức thấp nhất kể từ cuối niên độ 2016 trở lại đây. Thống kê dưới đây cho thấy đa phần nợ của Hoa Sen có kỳ hạn ngắn.
Chủ nợ lớn nhất là hai ngân hàng VietinBank và Vietcombank với giá trị cho vay lần lượt là 2.693 tỷ và 1.787 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay của Hoa Sen trong quý vừa qua là 75,4 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ khả năng trả lãi đạt 10,9 lần, cải thiện đáng kể so với đáy trong năm 2018-2019 khi Hoa Sen đang tái cấu trúc hệ thống phân phối.
Tỷ lệ chi phí lãi vay/doanh thu thuần của Hoa Sen quý vừa qua chỉ là 0,45% trong khi niên độ 2019 lên tới gần 3,7%.