|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp
[ Live ]

ĐHĐCĐ Hoa Sen: Hoa Sen Home là nỗ lực cuối cùng của ông Lê Phước Vũ trước khi rời khỏi tập đoàn, nếu vận hành tốt hệ thống này có thể đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD

09:23 | 21/03/2022
Chia sẻ
Theo chia sẻ của ông Lê Phước Vũ tại ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2021-2022, Hoa Sen sẽ không đầu tư sản xuất nữa mà tập trung nguồn lực vào hệ thống Hoa Sen Home. Nếu vận hành tốt, hệ thống này có thể đạt doanh thu như hiện nay, xấp xỉ 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Sáng ngày 21/3, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 (niên độ 2021-2022).

Theo báo cáo của ông Trần Quốc Trí, Thành viên HĐQT Hoa Sen tại đại hội, trong năm 2021, mặc dù phải trải qua những giai đoạn bất ổn của tình hình kinh tế - xã hội nói chung và thị trường ngành thép nói riêng nhưng Hoa Sen vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ đạt 2,25 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch và tăng trưởng 39%. Doanh thu thuần đạt 48.727 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.313 tỷ đồng, vượt 48% và 188% so với kế hoạch.

Hoa Sen cho biết, việc phát huy lợi thế về logistics của hệ thống nhà máy, lợi thế cạnh tranh của hệ thống chi nhánh và cửa hàng trên toàn quốc, đồng thời đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu ở tất cả các thị trường đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của tập đoàn.

ĐHĐCĐ Hoa Sen: Hoa Sen Home là nỗ lực cuối cùng của ông Lê Phước Vũ trước khi rời khỏi tập đoàn, nếu vận hành tốt hệ thống này có thể đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 (niên độ 2021-2022) của Hoa Sen sáng ngày 21/3.

Mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu 1.500 tỷ

Ban lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá, thị trường ngành thép năm 2022 vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Sản lượng tiêu thụ trong nước có thể tăng trưởng nhẹ do nhu cầu hồi phục. Mặt bằng giá thép được dự đoán sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022 do nhiều dự án bất động sản sẽ được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 do dịch bệnh. 

Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu thép được dự đoán sẽ chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu, giá thép sẽ được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng sản xuất để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm.

Do đó, giá HRC dự báo giảm 11,5%; các công ty thép có thể không được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ trong 2022 như với năm 2021, biên lợi nhuận từ kênh xuất khẩu có khả năng giảm từ mức cao trong năm 2022. 

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh không chỉ của riêng Hoa Sen mà còn tác động mạnh đến hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành.

Từ những phân tích trên, HĐQT Hoa Sen trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2021-2022 với doanh thu 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận dao động 1.500-2.500 tỷ đồng, tùy thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào; tương ứng giảm 42-65% so với kết quả đạt được ở năm 2021.

Kế hoạch trên được giả định trên cơ sở giá HRC là 750 USD/tấn trong 6 tháng đầu niên độ 2021-2022 và dựa trên những dự báo của Hoa Sen về sản lượng xuất khẩu thép.

ĐHĐCĐ Hoa Sen:  - Ảnh 1.

Hoa Sen đưa ra ba kịch bản lợi nhuận cho niên độ 2021-2022, lần lượt là 1.500 tỷ, 2.000 tỷ và 2.500 tỷ đồng.

Kế hoạch IPO 2 công ty thành viên

HĐQT Hoa Sen trình phương án chuyển đổi công ty TNHH MTV thuộc HSG thành CTCP Nhựa Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa và thành lập mới CTCP Phân phối Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen (gọi tắt là Hoa Sen Home) để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và Hoa Sen Home.

Dự kiến khi hai công ty trên đủ điều kiện theo quy định pháp luật, HĐQT sẽ tiếp tục trình ĐHĐCĐ vào các kỳ tiếp theo thông qua việc IPO và niêm yết hai công ty này trên thị trường chứng khoán.

Nguyên Ngọc