|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông Lê Minh Quốc: Eximbank sẽ đi về đâu?

12:47 | 26/03/2019
Chia sẻ
Ông Lê Minh Quốc - người vừa bị bãi nhiệm chức chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank cho biết đã có đơn gửi cơ quan chức năng và Ngân hàng Nhà nước.

Hàng loạt thông tin lùm xùm liên quan đến việc bầu nhân sự của ngân hàng Eximbank đã xuất hiện ngay sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) thay ông Lê Minh Quốc vào ngày 22/3. VTC News đã phỏng vấn ông Lê Minh Quốc để nghe quan điểm của ông về sự việc.

Ông Lê Minh Quốc: Eximbank sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

Eximbank lại rơi vào vòng xoáy tranh chấp quyền lực mới? (Từ trái sang, bà Lê Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc).


Ông Quốc nói: “Tôi không níu kéo vị trí chủ tịch Eximbank, tôi sẵn sàng đứng dậy ngay lập tức nếu ai có tâm và năng lực phù hợp để dẫn dắt ngân hàng. Nhưng không thể chấp nhận cách mà một ngân hàng khác với những người có liên quan vào để chi phối và rất có thể tìm cách khống chế và kiểm soát”.

- Ông nói phiên họp ngày 22/3 của nhóm thành viên hội đồng quản trị Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết nhóm này ban hành ngày hôm đó không có hiệu lực pháp luật. Vì sao vậy?

Đây không phải là lần đầu tiên nhóm thành viên HĐQT nêu trên hành động như vậy, vì vào ngày 11/3, tôi đã có đơn xin cứu xét, phản ánh tình hình bất ổn và các sai phạm của nhóm thành viên HĐQT nêu trên gửi Ngân hàng Nhà nước.

Trong đơn, tôi xin can thiệp “khẩn cấp và triệt để nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giúp ổn định hoạt động của Eximbank nói riêng và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia nói chung”.

Ngày 19/3, tôi nhận được email từ văn phòng HĐQT gửi tài liệu kèm thư triệu tập phiên họp ngày 22/3. Cũng trong ngày này, tôi đã nhận được văn bản của Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng đã yêu cầu Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến nội dung của đơn cứu xét của tôi để được xem xét và giải quyết.

Do vậy, ngày 20/3, tôi đã có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3/2019 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập. Nhưng ngày 22/3, nhóm này vẫn tổ chức cuộc họp để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế tôi làm Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Hành động này là trái với điều lệ Eximbank, đã gây bất ổn trong HĐQT Eximbank và gây băn khoăn lo ngại cho các cổ đông, khách hàng và tạo sự hoang mang cho hơn 6.000 người lao động tại Eximbank.

- Ông nói đã gửi đơn tới Ngân hàng Nhà nước, vậy tới thời điểm hiện tại cơ quan này đã nắm được sự việc và có động thái gì?

Đương nhiên về nguyên tắc Ngân hàng Nhà nước không muốn có sự rối loạn ở Eximbank, vì điều này ảnh hưởng đến hình ảnh và hệ thống tài chính. Khi phát hiện dấu hiệu về một số sai phạm ở Eximbank, cá nhân tôi đã có đơn gửi cơ quan chức năng và Ngân hàng Nhà nước nhưng cho đến ngày hôm nay chưa có buổi tiếp xúc trực tiếp nào từ phía các đơn vị kể trên.

Sự việc diễn ra vào ngày 22/3 đã cho thấy rõ sự không tôn trọng các cổ đông mặc dù đã có thư phản đối của các cổ đông. Rất nhiều cổ đông chân chính, những người mong muốn phát triển ngân hàng, những người đầu tư vào với mong muốn xây dựng ngân hàng mạnh để phục vụ khách hàng tốt, đóng góp cho nền kinh tế, đóng góp cho xã hội, mang lại lợi ích cho cổ đông và cán bộ nhân viên, nhiều người đang rất bất bình.

Những cổ đông nhỏ họ không có được tiếng nói mạnh mẽ. Ngoài ra, tôi cũng muốn đề cập đến những cổ đông chân chính, có năng lực và tiềm lực thực sự để đóng góp vào ngân hàng nhưng lại bị thao túng, đang không thể xoay chuyển được cục diện nếu không có sự can thiệp đầy đủ, chính đáng và đúng pháp luật. Làm rõ tất cả mọi vấn đề, những sai phạm đang tồn tại ở Eximbank.

- Quan điểm của ông thế nào về việc bà Lương Thị Cẩm Tú, một cựu CEO của Nam Á Bank, được bổ nhiệm làm chủ tịch Eximbank?

Tuần vừa rồi ngân hàng Nam Á cũng đã có vấn đề về mặt nội bộ. Tôi cũng có quan tâm đến câu chuyện rắc rối này vì có liên quan đến khủng hoảng ở Eximbank hiện tại. Trước đó, tôi đã nghe đồn thổi về việc Nam Á và các nhóm liên quan có một tỷ lệ sở hữu lớn ở Eximbank và có ý định sáp nhập Nam Á và Eximbank.

Eximbank nói gì?

Trong khi đó, trả lời VTC News qua email, đại diện Eximbank khẳng định, việc HĐQT tổ chức họp phiên 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định và theo điều lệ Eximbank.

Đồng thời, số lượng thành viên HĐQT tham dự tại phiên họp ngày 22/3 và các phiên họp trước đó, đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó có sự đồng thuận của 02 thành viên hội đồng quản trị đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - cổ đông chiến lược của Eximbank.

"HĐQT đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc bổ nhiệm chủ tịch HĐQT mới", thông cáo Eximbank viết.


Âu Lạc còn sở hữu 53,6 tỉ đồng cổ phiếu Eximbank Âu Lạc còn sở hữu 53,6 tỉ đồng cổ phiếu Eximbank Eximbank lên tiếng về những Eximbank lên tiếng về những 'ồn ào' trong việc bất ngờ bổ nhiệm tân Chủ tịch HĐQT Ông Lê Minh Quốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank bức xúc vì bị mất ghế đột ngộtÔng Lê Minh Quốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank bức xúc vì bị mất ghế đột ngột

Hoàng Hưng - Ngọc Tú

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.