|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông chủ SoftBank đâu phải là ‘Warren Buffett của ngành công nghệ’

09:34 | 18/10/2019
Chia sẻ
Các dòng tít báo vẫn hay gọi Masayoshi Son – nhà sáng lập và CEO của SoftBank là “Warren Buffett của giới công nghệ”. Tuy nhiên giữa hai nhân vật đình đám này có rất nhiều khác biệt căn bản khiến cho biệt danh trên trở nên hết sức sai lầm.
softbank son

CEO kiêm nhà sáng lập SoftBank - ông Masayoshi Son. Ảnh: EPA - EFE.

Những vụ việc ồn ào gần đây bắt đầu khiến nhiều người bắt đầu cho rằng Masayoshi Son không thể so sánh với Warren Buffett về khả năng "biến cát thành vàng" và quĩ Vision Fund của SoftBank cũng không có nhiều điểm chung với Berkshire Hathaway mà Buffett gây dựng.

Trên thực tế, Son và Buffett có nhiều điểm khác biệt về phong cách đầu tư tới mức đối lập nhau.

Đánh giá ban lãnh đạo công ty

Ví dụ gần đây, SoftBank là cổ đông lớn nhất góp vốn vào startup cho thuê văn phòng WeWork. Năm 2019, SoftBank muốn WeWork chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đồng thời niêm yết lên sàn chứng khoán để SoftBank có thể thoái vốn sau thời gian dài đầu tư.

Thương vụ này sau đó đã "đứt gánh giữa đường" khi nhà đầu tư phát hiện nhiều thông tin đáng báo động như WeWork thua lỗ triền miên – năm sau lỗ nhiều hơn năm trước, giao dịch cho vay và thuê bất động sản hàng chục triệu USD với CEO Adam Neumann, ….

Ngay trước thềm IPO, ông Adam Neumann còn thoái vốn khỏi công ty và thu về 700 triệu USD. Động thái này làm nhiều người lo ngại: Phải chăng vị CEO này biết sau khi IPO giá cổ phiếu sẽ rớt thảm nên phải tháo chạy trước?

Định giá của WeWork từ mức 47 tỉ USD công bố ban đầu bị hạ xuống còn vỏn vẹn 10 tỉ USD, sau đó ngày IPO còn bị hoãn vô thời hạn. Tiếp đến, ông Masayoshi Son đại diện cho SoftBank đã ủng hộ việc đẩy Adam Newmann ra khỏi ghế CEO của WeWork để hai cấp dưới lên thay.

Khi đánh giá lãnh đạo của một công ty trước khi quyết định đầu tư, Warren Buffett cho biết ông nghiên cứu ba yếu tố là trí thông minh, tính chủ động (hay sự hoạt bát) và sự chính trực.

"Và nếu ban lãnh đạo không có sự chính trực, thì trí thông minh và sự hoạt bát của họ sẽ giết chết bạn [nhà đầu tư]. Nếu bạn gặp phải một người không chính trực, bạn muốn họ lười biếng và ngu dốt", Warren Buffett nói.

Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi CEO của đa phần các công ty mà tập đoàn Berkshire Hathaway của ông đầu tư như JP Morgan Chase, Coca-Cola hay American Airlines đều có ban lãnh đạo ổn định trong nhiều năm.

warren buffett bloomberg

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Berkshire Hathaway. Ảnh: Bloomberg.

Ngược lại, nhiều công ty trong danh mục đầu tư của SoftBank dính bê bối mấy năm gần đây như Uber, SoFi và WeWork thường được lãnh đạo bởi những "tay chơi siêu hạng". Những người này đều lần lượt bị lật tẩy và bị đẩy ra khỏi công ty vì nhiều hành vi không phù hợp, từ sử dụng ma túy đến cáo buộc gián điệp doanh nghiệp.

Việc Masayoshi Son ưa thích những lãnh đạo "tay chơi" giống như ông cũng là điều dễ hiểu, nhưng thực tế cho thấy phong cách điều hành này có nhiều rủi ro.

Phong cách đầu tư

Điểm khác biệt tiếp theo giữa Warren Buffett và Masayoshi Son là phong cách đầu tư. Trong suốt hơn nửa thế kỉ qua, Warren Buffett đã trung thành với phong cách đầu tư giá trị do thầy của ông là Benjamin Graham sáng lập.

Các bức thư gửi cổ đông của Warren Buffett được viết bằng ngôn ngữ bình dân dễ hiểu, không màu mè đồ họa, giải thích rõ lí do phía sau các khoản đầu tư của ông. Trên hết, ông thật thà công bố kết quả đầu tư hàng năm thông qua một tiêu chí duy nhất là tỉ suất lợi nhuận của cổ đông Berkshire Hathaway so với chỉ số S&P 500.

Cụ thể từ 1965 đến 2018, Berkshire sinh lợi trung bình 20,5% mỗi năm trong khi chỉ số tham chiếu đạt 9,7% mỗi năm.

Ngược lại, Masayoshi Son đưa ra những tiêu chí đánh giá khiến nhiều người phải gãi đầu khó hiểu, thậm chí là hoảng hốt mà bỏ chạy. Trong Đại hội cổ đông năm 2013, ông Son tuyên bố ông sẽ khiến SoftBank trở thành công ty số một "trên mọi mặt – lợi nhuận, dòng tiền, giá trị cổ phiếu".

Ngày hôm sau, tờ Financial Times chỉ ra một cách ngắn gọn và đúng đắn rằng bản thân qui mô không có nhiều ý nghĩa với nhà đầu tư, điều duy nhất mà nhà đầu tư quan tâm là tỉ suất sinh lời trên vốn đầu tư.

Tại Đại hội cổ đông thường niên gần đây nhất, ông Son trình chiếu những biểu đồ về sự tăng trưởng không gì ngăn nổi của vốn hóa thị trường của SoftBank, mục tiêu đến năm 2040 đạt con số gây choáng váng 200.000 tỉ yên (tương đương 1.850 tỉ USD) – cao gấp hơn 20 lần hiện nay.

Tuy nhiên thực tế là cổ phiếu SoftBank Group đã tụt lại phía sau chỉ số tham chiếu Nikkei 225 trong quãng thời gian một năm và 5 năm qua. Một tổ hợp đầu tư táo bạo không thể thay thế cho một triết lí đầu tư đầy tính kỉ luật.

SoftBank có thực sự đầu tư vào doanh nghiệp công nghệ?

Điểm khác biệt thứ ba giữa Warren Buffett và Masayoshi Son là quan điểm về đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.

Warren Buffett từ lâu đã tránh xa các cổ phiếu công nghệ và Internet vì ông không hiểu lĩnh vực này. Ngoài ra, Buffett còn đưa ra một lí do khác là: Lựa chọn người chiến thắng từ giai đoạn đầu là một trò cờ bạc mạo hiểm. 

Mãi đến mấy năm gần đây, ông mới rót tiền vào đại gia công nghệ Apple nhưng đó là vì ông coi Apple là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Khoản đầu tư của Masayoshi Son vào các startup công nghệ cho thấy hiểu biết của ông về lĩnh vực này có thể còn không bằng Warren Buffett. Tại đại hội cổ đông gần đây, ông Son ca ngợi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) có thể đưa thế giới đến một ngày mà máy móc vượt lên trí thông minh của con người.

Tuy nhiên trong thực tế, các công ty mà SoftBank và quĩ liên quan đầu tư vào lại đa phần không phải doanh nghiệp sáng tạo công nghệ thực thụ, tức là không tạo ra sản phẩm, dịch vụ dựa trên các phát minh mới được cấp bằng sáng chế về AI và IoT.

Thay vào đó, các công ty trong danh mục của SoftBank lại tập trung vào các "nền tảng về mạng lưới" có chức năng kết nối người mua và người bán, chẳng hạn như Uber và các dịch vụ chia sẻ xe hơi kiểu Uber, các dịch vụ thương mại điện tử kiểu Amazon tại Hàn Quốc và Ấn Độ, hay cho thuê văn phòng kiểu WeWork.

Nền tảng kinh doanh căn bản của các doanh nghiệp này giống hệt với những tên tuổi như Amazon, Alibaba, Airbnb, Zillow, Tinder, Facebook. Chìa khóa thành công không phải là công nghệ tối tân mà là trở thành người đầu tiên tạo ra một nền tảng độc quyền mà mọi người đều phải tham gia để phục vụ công việc của mình.

Gọi Masayoshi Son là "Warren Buffett của ngành công nghệ" rất dễ gây hiểu lầm. Hai nhân vật này khác nhau như ngày và đêm vậy.

Song Ngọc