Ông chủ đứng sau công ty tham vọng sản xuất ô tô tự hành đầu tiên tại Việt Nam
Như thông tin đã đưa, ngày 26/3/2021, Phenikaa X - một công ty công nghệ trực thuộc Tập đoàn Phenikaa, dự kiến sẽ trình làng mẫu ô tô tự hành thông minh cấp độ 4 "Made-in-Vietnam" đầu tiên tại Việt Nam.
Mục tiêu của Phenikaa X đó là có thể đưa mẫu xe này sử dụng trong các khu vực tư nhân như các khu du lịch, resort, sân golf,… Xa hơn, có thể mở bán thương mại để sử dụng như một phương tiện giao thông tại Việt Nam.
Tìm hiểu thêm về Tập đoàn Phenikaa, dễ nhận ra đây chính là công ty mẹ của Vicostone, doanh nghiệp sản xuất đá thạch anh cao cấp nổi tiếng trên sàn chứng khoán.
Song, người ta biết đến Phenikaa nhiều hơn thông qua vị Chủ tịch Hồ Xuân Năng, người được mệnh danh là Năng "Do Thái", cùng với ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong số những người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Hồ Xuân Năng - Sinh viên Bách Khoa và cái đầu của người Do Thái
Ông Hồ Xuân Năng, sinh năm 1964 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công và trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong giai đoạn 1996 - 1999, ông Năng chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô Ford Việt Nam. Năm 1999, ông Năng rời Ford đến làm Thư ký Chủ tịch HĐQT công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex.
Cuối năm 2002, Vinaconex quyết định thành lập CTCP Vicostone để thực hiện đầu tư dự án dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).
Lĩnh vực hoạt động chính của Vicostone là sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton S.P.A (Ý).
Năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaconex. Đến năm 2014, ông Năng làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Vicostone (VCS).
Trước ông Năng, Vicostone đã ba lần thay Tổng giám đốc khi công ty đi vào hoạt động nhưng không làm chủ được công nghệ, cũng như không kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, nên sản phẩm làm ra chất lượng kém, tỷ lệ phế phẩm cao, ngấp nghé bờ vực phá sản.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, dưới bàn tay chèo lái của chàng sinh viên Bách Khoa, Vicostone từ một công ty trên bờ vực phá sản đã trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu trên thị trường chứng khoán. Tính tới thời điểm hiện tại, vốn hoá Vicostone xấp xỉ 15.000 tỷ đồng, tức hơn nửa tỷ đô la.
Cuối năm 2020, ông Hồ Xuân Năng, chủ yếu gián tiếp thông qua CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa), nắm giữ hơn 130 triệu cổ phiếu mã VCS, tương đương 84,16% cổ phần tại Vicostone.
Thương vụ M&A kinh điển
Ngoài được biết đến nhờ thành công của Vicostone, ông Hồ Xuân Năng còn nổi danh bởi thương vụ M&A kinh điển nhằm giành lại quyền kiểm soát Vicostone từ tay đối tác nước ngoài.
Cụ thể, tháng 6/2014, nhóm cổ đông lớn nước ngoài sở hữu gần 40% vốn Vicostone đã quyết định rút lui sau một thời gian dài mâu thuẫn gay gắt với ban lãnh đạo công ty khiến cho nhiều quyết sách quan trọng đã không được thông qua.
Đầu tháng 8/2014, Tập đoàn Phenikaa đã mua 58% cổ phần Vicostone. Theo tờ trình đại hội cổ đông, Vicostone chấp nhận để Phenikaa thâu tóm là do Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 6 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh. Việc Phenikaa ký kết hợp đồng độc quyền với Breton, đồng nghĩa với việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton.
Cuối tháng 9/2014, Vicostone mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%, nắm quyền kiểm soát Vicostone.
Thương vụ này đáng chú ý ở chỗ, sau khi Phenikaa nắm quyền thâu tóm Vicostone thì chính Phenikaa lại bị thâu tóm bởi chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng. Hiện Năng đang sở hữu 90% phần vốn góp tại Phenikaa.
Như vậy, sau thương vụ M&A này, ông Năng đã từ vị thế làm thuê, làm công ăn lương, đã trở thành ông chủ của một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu.
Về Tập đoàn Phenikaa, theo thông tin tự công bố, sau 11 năm thành lập, Phenikaa ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (giai đoạn 2010-2019) với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng trưởng 168,9% và 231,2%.
Báo cáo đến tháng 6/2020, tổng tài sản của Tập đoàn Phenikaa tăng gấp hơn 100 lần, đạt gần 10.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng gần 30 lần, vốn chủ sở hữu tăng 60 lần.
Kết thúc năm 2020, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Phenikaa đều tăng nhẹ 1,74% và 0,93% so với 2019, lần lượt đạt 5.659 tỷ đồng và 1.667 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 8.251 đồng.
Hiện nay, Phenikaa đã mở rộng quy mô với hơn 20 đơn vị thành viên trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực cốt lõi: công nghệ, công nghiệp, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.