|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ bí ẩn của đế chế thời trang nhanh mới nổi Shein

07:30 | 13/12/2023
Chia sẻ
Có rất ít thông tin về "ông vua" thời trang nhanh mới nổi của Trung Quốc - người đã nhanh chóng trở thành một trong những người giàu nhất của quốc gia tỷ dân khi Shein vươn tầm thế giới, đặc biệt là động thái IPO sắp tới.

Ông Chris Xu (hay Xu Yangtian) là nhà sáng lập Shein. Ông sinh năm 1984 tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc và tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Thanh Đảo năm 2007.

Truyền thông Trung Quốc mô tả ông Xu là một sinh viên bình thường, có hoàn cảnh nghèo khó, phải làm việc để trang trải cuộc sống đại học.

Ông bắt đầu với công việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO). Sau đó, ông chuyển đến Nam Kinh để làm việc cho một công ty tư vấn tiếp thị tích hợp, nơi ông tạo dựng tên tuổi là một chuyên gia trong lĩnh vực SEO. 

Nhận thấy giá trị thương mại của việc bán hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc ra thị trường quốc tế, ông quyết định bỏ việc và cùng hai đồng đội khởi nghiệp với một gian hàng bán lẻ trực tuyến đầu tiên, chuyên cung cấp các mặt hàng giá rẻ.

Trong thời gian đó, Xu phát hiện ra váy cưới là một trong những sản phẩm được săn đón nhiều nhất trên thị trường quốc tế.

Khi Xu nhận ra rằng điều duy nhất ngăn cản khách hàng quốc tế mua sản phẩm là vấn đề chuyển đổi tiền tệ, ông đã cùng đội ngũ tập trung vào việc xây dựng SheInside, tiền thân của Shein - công ty đang được định giá khoảng 100 tỷ USD.

 Ông chủ Shein, Chris Xu thời còn học đại học. (Ảnh: The Guardian).

Bóng dáng của một tỷ phú

Công ty Shein của Chris Xu đã phá vỡ sự thống trị của H&M và Zara nhờ sự nhanh nhạy với các xu hướng thời trang trên mạng xã hội.

Hãng cung cấp hàng nghìn sản phẩm mới hàng ngày trên ứng dụng của mình. Shein là ứng dụng đã thay thế Amazon trở thành ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ vào tháng 5/2021, thu hút người mua sắm bằng mức giá cạnh tranh.

Bất chấp thành công của Shein, Chris Xu vẫn giữ sự kín tiếng trước truyền thông.

Theo tạp chí Rest of World, ông chủ Shein từng dọa kiện một phóng viên Trung Quốc khi người này cố gắng tiếp cận để phỏng vấn.  

Năm ngoái, tờ The Guardian đăng tải bài viết nói về một giai thoại thời mới khởi nghiệp của ông chủ Shein. “Bất kể bạn tới văn phòng thời điểm nào, dù là hai hoặc ba giờ sáng, bạn vẫn có thể tìm thấy Xu Yangtian và đội ngũ của anh ấy. Luôn họp hành, không bao giờ lười biếng và luôn cố gắng tìm hiểu mọi điều tốt đẹp về bạn", đây là lời kể của một nhân sự giấu tên được tờ The Guardian trích dẫn.

 Nhà sáng lập Shein, Chris Xu. (Ảnh: The Sun US).

Shein ban đầu được thành lập như một doanh nghiệp thương mại điện tử có tên Nanjing Dianwei Information Technology vào năm 2008. Hai công sự tham gia cùng ông lúc đó là Wang Xiaohu và Li Peng.

Ông Li từng chia sẻ với tờ Wired rằng cả ba đã thuê một văn phòng nhỏ, cố gắng bán mọi thứ từ ấm trà đến điện thoại trước khi chuyển sang kinh doanh quần áo.

Họ bắt đầu mài giũa mô hình kinh doanh của Shein sau nay – những đơn đặt hàng lẻ được khách hàng đặt trực tiếp từ nhà cung cấp nhỏ, quay vòng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu. Ông Li nói rằng: “Chúng tôi hướng đến lợi nhuận mỏng và bán được nhiều hàng hơn".

Sau đó, năm 2011, SheInside được thành lập, hoạt động như một nhà bán lẻ váy cưới trực tuyến ở Nam Kinh, Trung Quốc. Năm 2015, công ty đổi tên thành Shein, chuyển trụ sở chính đến Quảng Châu và mở văn phòng tại Mỹ.

Nhờ sự thành công ngoài mong đợi, Shein đã giúp Xu trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông vào khoảng 11 tỷ USD, trong khi Bloomberg ước tính nó ở mức hơn 21 tỷ USD.

Công thức thành công của Shein

Dưới sự dẫn dắt của Xu, Shein bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình.

Ở những ngày đầu hoạt động, công ty thuê các sinh viên tốt nghiệp đại học kỹ thuật để tìm kiếm trên Internet những thiết kế phổ biến. Sau đó, nhóm thiết kế nội bộ của họ sẽ làm việc với những mẫu mã đó để cho ra sản phẩm.

Ngoài ra, các quảng cáo và sản phẩm của Shein trở nên phổ biến, tràn ngập internet là nhờ những người có ảnh hưởng, người nổi tiếng và mạng xã hội thúc đẩy, đặc biệt là TikTok. 

Shein có được phần lớn thành công nhờ hoạt động tiếp thị này. Theo báo cáo của nền tảng quảng cáo Illumin, đây là thương hiệu quần áo phổ biến nhất trên TikTok .

Hashtag #sheinhaul là nơi những người sáng tạo thường khoe nguyên hộp đồ giá rẻ mua từ trang này, có 14 tỷ lượt xem trên TikTok. Thẻ #shein mà người dùng đăng tất cả nội dung liên quan đến Shein, có khoảng 80 tỷ lượt xem trên nền tảng. 

Mặc dù Gen Z có ý thức về biến đổi khí hậu nhưng đa phần họ vẫn yêu thích Shein.

Thương hiệu này cũng rất phổ biến trong giới trẻ (khách hàng trung bình của Shein khoảng 35 tuổi). Shein đã trở nên nổi tiếng với những người có sức ảnh hưởng bằng cách gửi cho họ quần áo miễn phí và cung cấp mã giảm giá.

Trang web của Shein liên tục đăng tải các sản phẩm mới. Vào bất kỳ ngày nào, thương hiệu này cũng có sẵn tới 600.000 mặt hàng để mua.

Shein trở thành thương hiệu yêu thích của giới trẻ nhờ cách tiếp cận thông qua người có sức ảnh hưởng. (Ảnh: Getty Images).

Ngoài ra, công ty đã đạt được danh tiếng hiếm có trong số hàng nghìn nhà cung nhờ thanh toán đúng hạn. Chu kỳ thanh toán ổn định hàng tháng là yếu tố khiến các nhà cung cấp cố gắng gắn bó với Shein, bất chấp điều kiện thương mại khó khăn.

Nhà quan sát Rui Ma cho biết: “Về cơ bản, các nhà cung cấp không kiếm được tiền hoặc thường xuyên thua lỗ trong đơn đặt hàng ban đầu. Thay vào đó, họ hy vọng tạo ra một mặt hàng có sức lan truyền rộng rãi để có thể mang lại đơn hàng lớn cho mặt hàng đó.”

Người phát ngôn của Shein cho biết chính những phương pháp đổi mới đã cho phép công ty cắt giảm chi phí và đảm bảo tiết kiệm cho khách hàng. Họ cho biết: “Mô hình chuỗi cung ứng nhanh nhẹn, dựa trên công nghệ của chúng tôi có thể giảm sản xuất dư thừa bằng cách sử dụng nhu cầu thực tế của thị trường để dự đoán doanh số và kiểm soát sản xuất”.

Thùy Trang

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.