Ông Biden điện đàm với ông Tập trước khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ sang thăm Trung Quốc
Ổn định mối quan hệ
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm kéo dài gần hai tiếng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 2/4. Nhà Trắng cho biết cuộc trò chuyện là cách để hai vị nguyên thủ “liên lạc” và kiểm soát mối quan hệ căng thẳng giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới.
Trong cuộc gọi với ông Tập, ông Biden đề cập đến hàng loạt nỗi lo ngại của Mỹ. Cụ thể, ông đã chất vấn người đồng cấp về các chính sách thương mại và hoạt động kinh tế mà Nhà Trắng cho là “không công bằng”.
Ông Biden cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các “hành động cần thiết” để ngăn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ Mỹ nếu điều này gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
Hồi tháng 2, ông Biden đã mở cuộc điều tra về ô tô thông minh của Trung Quốc. Chính quyền Washington lo ngại rằng những chiếc xe này có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia thông qua việc kết nối đến cơ sở hạ tầng của Mỹ và trích xuất dữ liệu của tài xế.
Ông Biden cũng nhắc đến lo ngại về tính bảo mật xoay quanh TikTok và đề xuất của Quốc hội là buộc ByteDance bán lại ứng dụng này cho một công ty Mỹ.
Ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói với các phóng viên: “Tổng thống Biden đã nói rõ với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Mỹ không muốn cấm TikTok. Thay vào đó, Mỹ quan tâm đến biện pháp thoái vốn để đảm bảo lợi ích của an ninh quốc gia và bảo vệ dữ liệu của người dân”.
Ông Tập cho rằng việc Mỹ áp đặt “ngày càng nhiều” hạn chế thương mại lên Trung Quốc đang “gây ra rủi ro” cho mối quan hệ song phương, theo văn bản chính phủ Trung Quốc công bố sau cuộc điện đàm. Văn bản còn viết: “Trung Quốc sẽ không ngồi yên”.
Ngoài mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, hai vị nguyên thủ còn thảo luận về vấn đề Đài Loan và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tờ CNBC cho hay.
Ông Tập nhấn mạnh rằng “vấn đề Đài Loan là lằn ranh đỏ đầu tiên Washington không được phép vượt qua trong mối quan hệ Mỹ - Trung”, theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc.
Lần cuối cùng ông Tập và ông Biden gặp gỡ trực tiếp là tháng 11 năm ngoái, bên lề một hội nghị thượng đỉnh ở California. Tại đó, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phía Mỹ cho biết sau cuộc gặp này, các quan chức quân đội của hai nước đã tổ chức các cuộc họp và đối thoại quan trọng với nhau và dự kiến sẽ tiếp tục liên lạc trong năm nay.
Chính phủ Trung Quốc bình luận hôm 2/4: “Mối quan hệ Mỹ - Trung đang bắt đầu ổn định lại. Nhưng mặt khác, các yếu tố tiêu cực trong mối quan hệ cũng đang gia tăng”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ lên đường sang Trung Quốc
Theo lịch trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ lên đường sang Trung Quốc vào ngày 3/4 để gặp mặt những người đồng cấp ở Quảng Châu và Bắc Kinh. Dự kiến chuyến công tác của bà Yellen sẽ kéo dài 5 ngày. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có kế hoạch đến thăm Trung Quốc trong năm nay.
Tuần trước, bà Yellen đã có bài phát biểu để thể hiện mối quan ngại về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đối với các sản phẩm năng lượng sạch như tấm pin năng lượng mặt trời, xe điện và pin lithium-ion.
Bà lo lắng rằng tình trạng này sẽ làm xáo trộn thị trường toàn cầu, khiến sản phẩm bị hạ giá và gây tổn hại đến ngành công nghiệp xanh vẫn đang phát triển ở nhiều nước, trong đó có Mỹ.
Bà Yellen dự định sẽ đối chất với những người đồng cấp Trung Quốc trong chuyến thăm sắp tới về vấn đề trên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phủ nhận tình trạng dư thừa công suất.
Trong những tuần gần đây, Bộ Tài chính Mỹ cũng nhấn mạnh nỗi lo về các hoạt động tài chính của Bắc Kinh, cáo buộc các khoản đầu tư “giai đoạn đầu” vào một số công ty công nghệ Mỹ là cách để Trung Quốc tiếp cận với dữ liệu nhạy cảm.
Chuyến công tác và các cuộc họp mà bà Yellen dự định thực hiện là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm ổn định mối quan hệ giữa hai siêu cường.
Hoạt động liên lạc giữa Bắc Kinh và Washington gần như đã đóng băng trong một thời gian dài, bắt đầu từ việc cựu Tổng thống Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và ông Biden tiếp tục tung ra các biện pháp hạn chế thương mại mới.