|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden cáo buộc Trung Quốc cố gắng can thiệp vào dự luật cạnh tranh của Mỹ

14:51 | 04/05/2022
Chia sẻ
Nếu được thông qua, dự luật cạnh tranh sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ. Nguồn tin của Bloomberg cho biết Đại sứ quán Trung Quốc đã cố gắng liên lạc với quan chức chính quyền và nhà lập pháp để dò hỏi thông tin về dự luật.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Nikkei Asia). 

Tổng thống Joe Biden cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng can thiệp vào các cuộc đàm phán của Quốc hội Mỹ về dự luật cạnh tranh có mục đích thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Phát biểu ngày 3/5 tại bang Alabama, ông Biden cho hay: “Về cơ bản, dự luật cạnh tranh là vấn đề an ninh quốc gia. Đó là một trong những lý do Trung Quốc đang vận động hành lang các chính trị gia để phản đối nó. Dự luật cạnh tranh là thứ gắn kết các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Vì vậy chúng ta phải hoàn thành nó”.

Ông Biden đưa ra bình luận trên trong chuyến thăm nhà máy Lockheed Martin và cố gắng kêu gọi sự ủng hộ cho dự luật đã bị trì hoãn từ lâu. Ông nhắc đến hơn 200 chất bán dẫn cần thiết để sản xuất tên lửa chống tăng Javelin mà quân Ukraine dùng để chống lại Nga. Những lời trên là một trong những chỉ trích gay gắt nhất của ông Biden nhắm đến Trung Quốc.

Thượng viện và Hạ viện có thể sẽ sớm bắt đầu thảo luận chính thức để điều chỉnh các phiên bản khác nhau của dự luật nhằm mục tiêu giúp Mỹ tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy các thành viên của cả hai đảng đều ủng hộ số tiền 52 tỷ USD chi cho sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhưng lại bất đồng về các điều khoản khác. Việc ký kết và ban hành luật vẫn còn cần nhiều tháng nữa.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã nỗ lực dàn xếp các cuộc gặp gỡ với quan chức chính quyền, văn phòng quốc hội, tổ chức cố vấn và doanh nghiệp Mỹ để thu thập thông tin về tình trạng của dự luật và điều khoản nào nhiều khả năng sẽ được giữ lại. Mọi quan chức chính quyền và nhiều văn phòng quốc hội đã từ chối những yêu cầu này.

Trước đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng cách Mỹ phát triển là “việc của riêng nước Mỹ”. Tuy nhiên, bộ luôn phản đối những hành động mà Bắc Kinh coi là nỗ lực kìm hãm sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Hồi tháng 3, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo thường kỳ rằng các điều khoản của dự luật cạnh tranh “phóng đại ‘giả thuyết mối nguy Trung Quốc’” và kêu gọi những người ủng hộ dự luật từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh cũng như lối suy nghĩ hai nước không thể cùng phát triển”.

Sau 15 tháng cầm quyền, Nhà Trắng vẫn chưa vạch ra được một chiến lược chung để đối phó với Trung Quốc, trong đó bao gồm một phản ứng với xung đột kinh tế.

Dự kiến Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ trình bày chính sách của chính quyền ông Biden đối với Trung Quốc trong bài phát biểu vào sáng 5/5. Tuy nhiên, những người quen thuộc với kế hoạch cho biết ông sẽ không đưa ra bất kỳ sáng kiến ​​hoặc chi tiết mới nào về mặt kinh tế.

Trong suốt nhiều tháng, quan chức Mỹ đã cân nhắc về khả năng cắt giảm thuế quan, các cuộc điều tra thương mại mới và việc thực thi thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" của cựu Tổng thống Trump.

Đội ngũ của ông Biden vẫn tiếp tục bất đồng về cách xử trí với hàng trăm tỷ USD thuế quan áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, và có nhiều quan điểm khác nhau về việc liệu có nên giám sát các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc hay không, nếu có thì cần chặt chẽ đến đâu.

Giang

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.