|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OIE: Việt Nam đã chia sẻ thông tin dịch tả lợn kịp thời

11:28 | 04/03/2019
Chia sẻ
Theo bà Weber-Vintzel, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Thú y thế giới (OIE), không phải nước nào cũng được như Việt Nam, một số nước lân cận không chia sẻ thông tin kịp thời.

Phó Trưởng đại diện Tổ chức Thú y thế giới (OIE), TS Laure Weber-Vintzel cho biết, OIE có nhiệm vụ minh bạch hoá tình hình thú y của các nước thành viên, triển khai công tác thú y trên toàn cầu. Liên quan đến kiểm soát dịch bệnh, OIE cũng làm nhiệm vụ thu thập, chia sẻ thông tin với các nước thành viên, để họ chủ động xử lý. Bởi vậy, OIE luôn mong chờ các nước thành viên chia sẻ thông tin kịp thời để cơ quan này hỗ trợ kỹ thuật. "Chúng tôi cũng dựa vào thông tin này để phân tích tình hình dịch tễ, điều này rất có ích cho các nước thành viên", bà Weber-Vintzel nói.

OIE: Việt Nam đã chia sẻ thông tin dịch tả lợn kịp thời  - Ảnh 1.

Phó Trưởng đại diện Tổ chức Thú y thế giới (OIE), TS Laure Weber-Vintzel cho biết: Việt Nam đã chia sẻ thông tin dịch tả lợn kịp thời (Ảnh: Đinh Tùng)

Theo bà Weber-Vintzel, không phải nước nào cũng được như Việt Nam, một số nước lân cận không chia sẻ thông tin kịp thời.


OIE đã thiết kế 1 trang web đưa thông tin kỹ thuật, dịch bệnh cho các nước tham khảo. Hiện OIE có 3 phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới, sẵn sàng trợ giúp Việt Nam các giải pháp kỹ thuật phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Theo kế hoạch, năm 2020, Đông Nam Á sẽ có 1 phòng thí nghiệm của OIE để tích cực hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi đã giúp Việt Nam bằng cách phân tích mẫu virus, cung cấp chuyên gia kỹ thuật, cung cấp nguyên liệu chuẩn để Việt Nam tự tin phòng chống dịch bệnh. Việt Nam có thể căn cứ vào các tiêu chuẩn của OIE, tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế để vận dụng vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như xuất khẩu động vật.

Bà Weber-Vintzel góp ý, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đến ngành thú y. "Chúng tôi nghĩ rằng một số kinh nghiệm ở Trung Quốc cũng có thể áp dụng cho Việt Nam. Ví dụ như tờ rơi tuyên truyền, hiện có 5 ngôn ngữ, chúng tôi mong rằng tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ thứ 6", bà Weber-Vintzel nói. "Kinh nghiệm đầu tiên trong phòng chống dịch bệnh là phải chia sẻ thông tin. Phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để từ đầu. Ngoài ra còn phải đảm bảo an toàn thực phẩm, OIE cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc này".

Chia sẻ với những ý kiến đóng góp quý báu của đại diện OIE, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thú y thường xuyên có chương trình làm việc chuyên sâu với OIE. "Chúng ta cần hoàn thiện các nhóm giải pháp. Như thông tin OIE đưa cho chúng ta thì một số địa phương chưa báo cáo dịch. Điều này rất quan trọng, vì chúng ta phải xây dựng kịch bản phòng chống. Đề nghị Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y tham quan phòng thí nghiệm của OIE, sau đó về báo cáo, đề xuất Bộ", Bộ trưởng nói.

Minh Phúc - Văn Việt