|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

OCB nhận nhiều bất động sản của Đại Nam, FLC,... để thay thế nghĩa vụ trả nợ

13:35 | 18/10/2022
Chia sẻ
OCB đã ban hành nhiều nghị quyết về việc nhận tài sản đảm bảo là bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp, trong đó có FLC và CTCP Đại Nam trong 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo tài chính quản trị 6 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ngân hàng đã ban hành nhiều nghị quyết về việc nhận tài sản đảm bảo là bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp, trong đó có FLC và một số doanh nghiệp có liên quan đến vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng.

Cụ thể, ngày 6/5/2022, Hội đồng Quản trị (HĐQT) OCB đã ban hành nghị quyết số 36 về việc nhận tài sản bảo đảm là 963 lô đất thuộc Khu dân cư Đại Nam tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, Công ty TNHH TV&XD Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng tại OCB Bình Dương.

Cùng ngày, ngân hàng nhận thêm 1.104 lô đất thuộc khu nhà ở Đại Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để thay thế nghĩa vụ trả nợ của CTCP Đại Nam, Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, CTCP Glove Đại Nam, CTCP Glove Hằng Hữu, Công ty TNHH TV&DV Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng. 

Như vậy, OCB đã nhận tổng cộng 2.067 lô đất của các doanh nghiệp liên quan đến ông Huỳnh Uy Dũng và bà Phương Hằng.

Theo tìm hiểu của người viết, tất cả doanh nghiệp nêu trên bao gồm CTCP Đại Nam, Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, CTCP Glove Đại Nam, CTCP Glove Hằng Hữu và Công ty TNHH TV & XD Đại Nam đều do ông Huỳnh Uy Dũng, chồng bà Phương Hằng làm người đại diện pháp luật.

CTCP Đại Nam được thành lập từ tháng 3/1996 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản.  Vốn điều lệ không được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nhưng theo nguồn tin riêng của chúng tôi, vốn điều lệ của Đại Nam hết năm 2019 là 207 tỷ đồng, trong đó, ông Dũng nắm khoảng 99,92% vốn. 

Về Dự án Đại Nam, thông tin trên website dự án cho biết Dự án Đại Nam –TP mới Bình Dương do CTCP Đại Nam làm chủ đầu tư, có quy mô hơn 100 ha, tổng vốn đầu tư là hơn 2.300 tỷ đồng. Dự án  nằm trong tam giác đô thị tại Bình Dương là Khu Đô thị Mỹ Phước – TP Mới Bình Dương – TP Thủ Dầu Một. 

OCB nhận tổng cộng 2.067 lô đất để thay thế nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp liên quan đến doanh nhân Huỳnh Uy Dũng. (Nguồn: OCB).

Liên quan đến khoản nợ của CTCP Đại Nam, tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết ngày 22/4, phía Đại Nam đã trả 450 tỷ, đồng thời bán các tài sản cho các chủ đầu tư khác.

Trong tháng 5 và tháng 6, số tiền Đại Nam có thể thu hồi lên tới 4.500 tỷ đồng, con số này đủ để trả nợ vay cho tất cả các ngân hàng. Các giấy tờ sổ đỏ của công ty này cũng được cấp đầy đủ, đúng pháp luật, nên vấn đề của Đại Nam không đáng lo.

Cũng theo ông Tùng, ngân hàng không cho vay liên quan đến khu giải trí Đại Nam mà cấp vốn cho nhà máy sản xuất găng tay xuất sang Mỹ.

Nhiều bất động sản của Tập đoàn FLC được nhận để thay thế nghĩa vụ trả nợ

Bên cạnh nhóm Đại Nam, OCB còn nhận nhiều bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của FLC. Trong đó có 97 căn Condotel và 81 căn khách sạn tại khách sạn Grand Hotel thuộc TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá để thay thế nghĩa vị trả nợ đối với CTCP Xây Dựng FLC Flaros và nhóm liên quan.

Khách sạn FLC Grand Hotel Samson tại Thanh Hóa. (Ảnh: Đức Quyền). 

Các tài sản bất động sản khác của nhóm FLC được OCB nhận về còn bao gồm thửa đất số 560 tại Xã Vĩnh Thịnh, Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để thay thế nghĩa vụ trả nợ của CTCP FLC Travel, Công ty TNHH MTV FLC Land và CTCP Hàng không Tre Việt.

Biệt thự nghỉ dưỡng khu Fusion (67 căn) và khu Courtyard Bungalow (102 căn) thuộc khu đô thị du lịch sinh thái FLC phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hoá để thay thế một phần nghĩa vụ trả nợ cùa CTCP Hàng không Tre Việt tại CIB Thăng Long.

Ngoài ra còn có bất động sản là 9 lô biệt thự tại Khu du lịch đô thị sinh thái FLC để thay thế nghĩa vụ trả nợ đối với CTCP đầu tư Thương mại và XNK CFS và nhóm liên quan. Ngân hàng cũng nhận  84 căn hộ khách sạn Coastal Hil thuộc quần thể du lịch FLC Quy Nhơn để tổ chức phát hành trái phiếu là CTCP đầu tư và phát triển Bình Định mua lại trước hạn một phần trái phiếu tương ứng mà OCB đang là trái chủ.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm nay, lãnh đạo OCB cho biết trước khi cho vay, ngân hàng đã làm việc chặt chẽ và FLC có tài sản đảm bảo bằng BĐS trên 2.000 tỷ, đất đai là đất đai có sổ, sổ này là sổ cấp cho chủ đầu tư.

Đại diện OCB cũng nhấn mạnh là thực tế FLC luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nợ với ngân hàng. FLC có hơn 2.400 tỷ để đảm bảo trả nợ, chưa kể tài sản đảm bảo và dư sức để trả nợ ngân hàng. Ngân hàng cũng tăng cường các giải pháp để thu hồi nợ nhanh. 

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của Tập đoàn FLC cho thấy dư nợ ngắn hạn của Tập đoàn tại OCB đã giảm từ hơn 1.100 tỷ đồng còn 451 tỷ đồng


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nga

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.