Ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cần chính sách đột phá
Điều chỉnh giảm thuế động cơ, hộp số sẽ hỗ trợ tốt DN
Nhiều năm nay ngành công nghiệp ô tô vẫn loay hoay vì thiếu cú huých. Nhiều DN sốt ruột với cơ chế, chính sách chưa thực sự là bệ đỡ cho sự phát triển của doanh nghiệp và của ngành.
Dự thảo Nghị quyết các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đưa ra nhiều đề xuất theo hướng giảm thuế với động cơ, hộp số về 0% đến 2025, mức tương đương cam kết tại Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được đồng tình từ phía Bộ Tài chính.
Việc ưu đãi giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với động cơ và hộp số tương đương các cam kết trong ATIGA sẽ hỗ trợ các DN rất nhiều trong việc duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. |
Trong bối cảnh nhập khẩu động cơ, hộp số từ Hàn Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn, Bộ Tài chính cho rằng, nếu đẩy nhanh cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có thể khiến tỷ trọng này tăng lên, tăng rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường cũng như không đa dạng hoá nguồn cung khác nhau cho DN và giảm thu từ thuế nhập khẩu.
Về vấn đề này Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) lý giải, động cơ và hộp số ô tô là các linh kiện rất phức tạp để có thể sản xuất và lắp ráp.
Đồng thời, để bảo đảm hiệu quả kinh tế khi sản xuất các linh kiện này, sản lượng sản xuất tối thiểu phải đạt từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu sản phẩm mỗi năm.
Trong vòng 3-5 năm tới, với trình độ kỹ thuật hiện tại cũng như dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, sẽ rất khó có DN nào đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ và hộp số để phục vụ lắp ráp ở Việt Nam.
“Vì vậy trong thời gian tới, nhìn chung các DN trong ngành ô tô Việt Nam vẫn sẽ ưu tiên việc nhập khẩu các chi tiết, linh kiện phức tạp như động cơ, hộp số, đồng thời duy trì lắp ráp và từng bước gia tăng nội địa hóa các chi tiết, linh kiện đơn giản hơn”- Cục Công nghiệp chỉ ra.
Từ các lý do trên, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho rằng, việc ưu đãi giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với động cơ và hộp số tương đương các cam kết trong ATIGA sẽ hỗ trợ các DN rất nhiều trong việc duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Đây cũng là các linh kiện có tỷ lệ giá trị cao trong cấu thành giá trị của ô tô nguyên chiếc, vì vậy việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với các linh kiện này cũng góp phần giúp các DN tiết kiệm chi phí, hạ giá thành cho sản phẩm.
Phân tích sâu hơn, Cục Công nghiệp cho rằng, động cơ, hộp số là các linh kiện gắn liền với thương hiệu và bí quyết công nghệ của các hãng xe từ các quốc gia trên thế giới – đặc biệt là đối với các dòng xe cá nhân (ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi).
“Việc Việt Nam nhập khẩu các linh kiện với số lượng lớn tại một số quốc gia nhất định phần lớn là do phụ thuộc sự bố trí của chuỗi giá trị và sự chia sẻ, chuyển giao công nghệ của các hãng tại các quốc gia này, không dễ dàng để có thể đa dạng hóa và lựa chọn các thị trường cung cấp khác đối với các linh kiện này cho Việt Nam như Bộ Tài chính đã nêu. Do đó, việc Bộ Tài chính cho rằng các sửa đổi này có thể làm tăng rủi ro phụ thuộc thị trường là không có căn cứ”- Cục Công nghiệp bày tỏ quan điểm.
Chính vì vậy việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu động cơ, hộp số tương đương cam kết trong ATIGA và tăng khả năng cạnh tranh của các xe lắp ráp trong nước có sử dụng các linh kiện nhập khẩu từ các thị trường khác (như Hàn Quốc, Trung Quốc...), tạo sự cạnh tranh bình đẳng với xe nhập khẩu từ ASEAN, giúp xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm lĩnh thị trường, không làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Cần hỗ trợ kịp thời, chính sách phải ổn định, thống nhất
Theo các chuyên gia kinh tế, để công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển, trước hết cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách thuế nội địa nhằm giúp các DN trong nước tăng khả năng cạnh tranh trước làn sóng xe nhập khẩu trong thời gian tới. Ngoài ra, cần có cơ chế ưu đãi, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ trong nước phù hợp với tình hình mới.
“Đã đầu tư rất lớn vào sản xuất ô tô, chúng tôi rất mong chờ chính sách đột phá từ cơ quan chức năng cùng những hỗ trợ kịp thời cho DN. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Thời gian cứ trôi đi, DN sẽ phải hứng chịu những rủi ro rất lớn và ngành công nghiệp ô tô khó phát triển”- đại diện một công ty sản xuất, lắp ráp ô tô bày tỏ quan điểm.
Do vậy đối với đề xuất của Bộ Công Thương theo hướng giảm thuế với động cơ, hộp số về 0% đến 2025 là động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các DN ô tố lắp ráp trong nước. Điều này còn có tác dụng thúc đẩy các nhà đầu tư sản xuất linh kiện và các sản phẩm cơ khí phục vụ cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô có cơ sở để tăng quy mô sản xuất, kết nối mạnh mẽ với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, từ đó tạo ra chuỗi giá trị liên kết trong ngành, nâng cao sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa.
Theo Bộ Công Thương, hiện các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ô tô. Đồng thời, các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực, làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Cùng với đó, chính sách trong nước thiếu ổn định và đồng bộ nên chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng chia sẻ, mục tiêu của Bộ Công Thương trong giai đoạn tới là xây dựng các giải pháp giúp DN sản xuất ô tô giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với ôtô nhập khẩu. “Để mỗi ngành công nghiệp phát triển, vấn đề sống còn là phải có thị trường, cả trong và ngoài nước. Nhưng điều quan trọng nhất là các chính sách phải ổn định, thống nhất trên quan điểm ủng hộ phát triển ngành. Cần tránh việc chính sách thường xuyên biến động khiến các DN không mạnh dạn đầu tư dài hạn. Do đó, nếu Nhà nước có các chính sách hợp lý, ngành công nghiệp ô tô có thể tận dụng lợi thế”- lãnh đạo Cục Công nghiệp kỳ vọng.
Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh thuế suất 0% đối với một số cụm chi tiết quan trọng xe ô tô dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số, áp dụng có thời hạn đến năm 2025. Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất xe ô tô; áp thuế suất 0% đối với máy móc thiết bị, khuôn,… để tạo tài sản cố định. Thuế thu nhập DN được hưởng ưu đãi thuế cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô.
Đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ trong nước có quy mô từ 50.000 xe/năm trở lên, có sản phẩm xuất khẩu trong vòng 5 năm, kèm theo dự án nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động cho ô tô, hệ thống điều khiển và phần mềm điều khiển động cơ thì Bộ Công Thương đề xuất được miễn thuế đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực thiết kế chế tạo; nghiên cứu phát triển công nghệ phần mềm; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp.