Ồ ạt trồng sầu riêng tại Đắk Lắk, nguồn cung đứng trước nguy cơ vượt cầu
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chỉ trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Việt Nam đã “đánh bại” đất nước chuyên sản xuất sầu riêng là Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu vào Trung Quốc, chiếm 57% tỷ trọng thị phần tại thị trường này, theo VOV.
Điều này khiến bà con nông dân tại Đắk Lắk rất vui mừng khi niên vụ 2023 được mùa, được giá, mang lại hiệu suất và kết quả kinh tế cao. Nhiều người dân đã vẽ ra viễn cảnh tiền tỷ treo trên cây, mà ồ ạt chặt bỏ cây hồ tiêu, cà phê,… để theo đuổi loại quả được đánh giá là mới nổi này.
Ngay từ cuối năm ngoái, ông Bùi Quang Tuân ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc đã phá bỏ 7 sào cà phê chuyển sang trồng sầu riêng. “Hiện tại, tôi đang chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang trồng sầu riêng. Vì sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch nên sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Bùi Quang Tuân chia sẻ.
Dù nhận thức sầu riêng là loại cây khó trồng song giá bán luôn giữ ở mức ổn khiến nhà vườn bất chấp lo ngại mà mở rộng diện tích. Không chỉ mỗi nhà vườn của ông Bùi Quang Tuân, nhiều người dân cũng không ngần ngại phá bỏ vườn trồng cây lâu năm để phát triển cây sầu riêng.
Ông Trần Xuân Quyền, Chủ tịch UBND xã Ea Tar, huyện Cư Mgar cho hay: “Theo quy hoạch, đến năm 2025, diện tích trồng cây ăn trái của xã khoảng 500ha, chủ yếu là trồng sầu riêng. Tuy nhiên, đến thời điểm này diện tích đã vượt xa quy hoạch”.
“Trong những năm qua, diện tích cây ăn trái của xã, đặc biệt là diện tích cây sầu riêng tăng lên rất nhiều. Từ 500 ha giờ đạt gần 800 ha, trong đó gần 500 ha sầu riêng kinh doanh. Còn lại diện tích trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu và các loại cây khác”, ông Quyền nói thêm.
Số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Đắk Lắk, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có gần 33.000ha sầu riêng, tăng gần 10.000ha so với năm 2022. Con số sản lượng này đã vượt quá kế hoạch đề ra và được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Viễn cảnh cung vượt cầu, thị trường lao dốc đang khiến nhiều người lo ngại. Thế nhưng, việc trồng tự phát, không theo quy hoạch sẽ dẫn đến sự thiếu đồng đều trong quản lý chất lượng, sản phẩm khó lòng đáp ứng điều kiện xuất khẩu, phá vỡ ngành hàng.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Mã vùng trồng quy định tối thiểu 10ha, sản xuất theo hướng chứng nhận và phải có sự liên kết, phải ghi nhật ký nông hộ…Quy mô chúng ta nhỏ, diện tích manh mún, mà lại còn rải rác nữa để đủ điều kiện xuất khẩu thì rất là khó. Chắc chắn vùng trồng thưa thớt thì áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng khó. Từ vấn đề kiểm dịch, vấn đề quản lý chất lượng, vấn đề sử dụng hoá chất trong nông nghiệp và các vấn đề thu hoạch cũng rất khó khăn”.
Còn theo ông Đặng Bá Đàn, Trưởng văn phòng Trung tâm Khuyến nông Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc tùy tiện trồng cây sầu riêng không theo kế hoạch sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặt khác, sầu riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc hiện nay còn có các vùng nông sản cạnh tranh khốc liệt là Thái Lan, Philippines...
“Theo tôi, chúng ta nên theo hướng thâm canh, an toàn chất lượng, theo hướng hữu cơ vi sinh, có tiêu chuẩn theo mã vùng trồng, những vấn đề chế biến sâu. Đặc biệt khâu tổ chức phải liên kết được với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến và người sản xuất”, ông Đàn nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh, người dân cần phải cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng để tránh cảnh “tiền mất tật mang”, và phải sử dụng đến các biện pháp kêu gọi giải cứu nông sản. “Điệp khúc trồng chặt, chặt trồng cứ lặp đi lặp lại theo kiểu “thấy người ăn khoai mình vác mai đi đào” ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã mang lại những hậu quả cay đắng”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất cây sầu riêng theo vùng tập trung, không mở rộng diện tích, đặc biệt là tại các vùng có thổ nhưỡng không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng chưa có đê bao khép kín, đê bao không đảm bảo gây ngập lụt trong mùa mưa và xâm nhập mặn trong mùa khô tại khu vực ĐBSCL.