|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nvidia chính thức trở thành hãng chip đầu tiên trên thế giới đạt mức vốn hóa 1.000 tỷ USD

21:10 | 30/05/2023
Chia sẻ
Trong suốt phiên giao dịch ngày 30/5, giá cổ phiếu Nvidia luôn giữ ở mức trên 404,86 USD/cổ phiếu, qua đó giúp công ty đạt mức giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD, đứng chung hàng ngũ "CLB vốn hóa nghìn tỷ USD" với Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon.

Nvidia đã nhanh chóng đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD vào đầu phiên giao dịch ngày 30/5, qua đó chính thức gia nhập “CLB vốn hóa nghìn tỷ USD”.  Giá cổ phiếu Nvidia trong phiên giao dịch ngày 30/5 luôn được giữ ở mức trên 404,86 USD/cổ phiếu, theo CNBC.

Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip hàng đầu nước Mỹ đã tăng vọt vào tuần trước sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I với những con số vượt mong đợi. Ngoài ra, Nvidia cũng đưa ra một số dự báo cho quý II vượt qua cả kỳ vọng của các nhà phân tích phố Wall. Trong đó, đáng chú ý, Nvidia dự báo doanh thu trong quý thứ hai của năm tài chính 2024 đạt mức 11 tỷ USD, cao hơn tới 50% so với ước tính của các nhà phân tích.

Năm 2023 tính đến thời điểm hiện tại là một giai đoạn đầy thành công đối với các nhà sản xuất chip nhờ sự bùng nổ của AI, đặc biệt sau khi công cụ chatbot ChatGPT của OpenAI được ra mắt vào cuối năm trước. Nhu cầu sử dụng các loại chip có hiệu năng cao để phát triển AI đã giúp Nvidia có những bước thăng tiến đáng kể từ đầu năm.

Riêng với ông Jensen Huang, giám đốc điều hành của Nvidia, sự bùng nổ của AI cũng đã giúp vị tỷ phú này kiếm bộn tiền từ đầu năm 2023. Tính tới sáng 29/5, ông sở hữu khối tài sản ròng trị giá 34,9 tỷ USD, là người giàu thứ 37 thế giới, đồng thời cũng nằm trong top 10 tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất từ đầu năm.

Theo dữ liệu của CNBC, Apple hiện vẫn là công ty có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất tại Mỹ, rơi vào khoảng 2.759 tỷ USD. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Microsoft (2.475 tỷ USD), Alphabet (công ty mẹ Google – 1.587 tỷ USD), Amazon (1.232 tỷ USD) và Nvidia (1.000 tỷ USD).

Anh Nguyễn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.