|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nước ngoài đang nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu FLC?

11:45 | 04/04/2022
Chia sẻ
Tính đến cuối phiên 1/4, các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu khoảng 15,9 triệu cổ phiếu Tập đoàn FLC.

 Quần thể FLC Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo số liệu của Chứng khoán SSI, từ đầu năm 2022 đến hết phiên 1/4, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 20,44 triệu cổ phiếu FLC, đồng thời bán ra 20,41 triệu đơn vị.

Tính theo khối lượng, nhà đầu tư ngoại mua ròng 30.800 đơn vị nhưng nếu tính theo giá trị, khối ngoại lại bán ròng hơn 29 tỷ đồng.

Hoạt động bán ròng tập trung vào hai phiên 10/1 và 11/1, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Đây là giai đoạn giá FLC chạm đỉnh 24.000 đồng/cp rồi nhanh chóng giảm kịch sàn khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu mà không thông báo trước.

Tổng cộng hai ngày 10 và 11/1, thanh khoản của FLC đạt 290 triệu đơn vị, tương đương 41% vốn điều lệ toàn tập đoàn.

 

Số liệu từ SSI cho thấy, tính đến cuối phiên 1/4, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ gần 15,9 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng 2,23% vốn điều lệ của tập đoàn.

FLC lo bị thâu tóm

Phiên 1/4 chứng kiến thanh khoản đột biến của cổ phiếu FLC so với hai ngày trước đó. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh riêng buổi sáng 1/4 là 59 triệu đơn vị, cả ngày đạt trên 100 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch của FLC ngày 1/4 là trên 1.000 tỷ đồng, cao gấp hàng trăm lần phiên 30 và 31/3.

Giá cổ phiếu FLC phiên 1/4 cũng chỉ giảm 1,4%, không xuống kịch sàn như hai ngày trước đó. Trên mạng xã hội lan truyền tin đồn Tân Chủ tịch FLC Đặng Tất Thắng dự định mua 150 triệu cổ phiếu FLC trong nửa đầu tháng 4.

Tập đoàn FLC khẳng định ông Thắng chưa có kế hoạch gia tăng tỷ lệ sở hữu và các tin đồn đều là thất thiệt.

Đồng thời FLC cho rằng việc thanh khoản cổ phiếu lên cao đột biến trong phiên đầu tháng 4 là dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn nguy cơ "thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh, an toàn của thị trường, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin với thị trường chứng khoán của nhiều nhà đầu tư”.

Vì vậy, FLC đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên 1/4 đối với cổ phiếu FLC,  thậm chí có thể tạm ngừng mua bán đối với mã FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch thực hiện trong phiên 1/4 nếu phát hiện vi phạm.

Thanh khoản 100 triệu đơn vị FLC trong ngày 1/4 tuy rất lớn nhưng chưa phải là con số kỷ lục, còn thấp hơn nhiều mức 135 triệu và 155 triệu đơn vị khớp lệnh phiên 10 – 11/1.

Trong tháng 1, FLC không đề nghị các cơ quan Nhà nước làm rõ việc thanh khoản lên cao bất thường, cũng không thể hiện lo ngại bị thâu tóm.

Văn bản ngày 1/4 của Tập đoàn FLC được gửi đi sau khi Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết mới bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3 về tội thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Ngày 31/3, ông Đặng Tất Thắng được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Quyết.

Ông Thắng hiện không sở hữu cổ phiếu FLC nào. Ông Quyết nắm giữ 215,4 triệu đơn vị, tương đương 30,34% vốn điều lệ của tập đoàn. Thống kê dưới đây cho thấy ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn FLC.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Hương Trần Kiều Dung và Phó Tổng Giám đốc Đặng Thị Lưu Vân đang sở hữu dưới 30.000 cổ phiếu FLC, các lãnh đạo cấp cao còn lại không phải cổ đông của tập đoàn.

 

 

Số cổ phiếu FLC đang trôi nổi là khá nhiều, như thể hiện trong biểu đồ bên trên. Vì vậy, kịch bản mua gom để thâu tóm doanh nghiệp là có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bên mua phải là các tổ chức và cá nhân trong nước do sau phiên thanh khoản đột biến 1/4, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ sở hữu hơn 2% vốn của FLC.

Giá cổ phiếu FLC và các doanh nghiệp liên quan phản ứng tích cực giữa những suy đoán về khả năng có "cá mập" muốn thâu tóm tập đoàn này. Phiên đầu tuần 4/4, các cổ phiếu FLC, ROS, ART, AMD, KLF, HAI đều kịch trần "tím lịm", trắng bên bán.

 

Đức Quyền - Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.