|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nửa năm 2022 sắp qua, lộ diện rủi ro lớn nhất với kinh tế Việt Nam

16:50 | 20/05/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, lạm phát và việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero-COVID là hai rủi ro đáng lo ngại hơn cả.

Sau giai đoạn mọi hoạt động kinh tế chịu tổn thương vì COVID-19, đại dịch hiện tại gần như không còn được nhắc đến và cũng không còn là rủi ro cản trở tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp kèm áp lực lạm phát gia tăng, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt những rủi ro mới. Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trên thế giới và được dự báo khó giảm cho tới 2024. Triển vọng kinh tế thế giới kém lạc quan hơn với khả năng bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp đi kèm lạm phát cao.

Riêng với Việt Nam, gần nửa năm sắp trôi qua, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức, chuyên gia cũng đã nhiều lần đánh giá lại mức độ ảnh hưởng của các rủi ro với kinh tế.

Chiến sự ở Ukraine và nguy cơ gia tăng áp lực lạm phát

Căng thẳng Nga-Ukraine không ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Do xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,1% tổng xuất khẩu của Việt Nam, và Nga, Ukraine cũng không phải là thị trường xuất khẩu chính cho bất kỳ sản phẩm nào của Việt Nam 

Tuy nhiên tác động gián tiếp lại rất đáng quan ngại. Theo báo cáo hồi đầu tháng 3 của  CTCP Chứng khoán VNDirect, nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài, tác động gián tiếp đến thương mại của Việt Nam sẽ lớn hơn bởi nhu cầu từ EU và Mỹ sụt giảm do tăng trưởng kinh tế suy yếu. Hiện Mỹ và các nước thành viên EU chiếm khoảng 40% thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi các nước châu Á chiếm khoảng 48% thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, các chuyên gia của VNDirect cũng nhận định rủi ro lạm phát đang tăng lên do tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. 

Nhận định về khả năng chiến sự ở Ukraine làm gia tăng áp lực lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam, trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh khủng hoảng Nga-Ukraine là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng thêm giá hàng hóa trên thị trường thế giới.

"Sản lượng sản xuất và thị phần xuất khẩu một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: xăng dầu, khí đốt, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… của Nga và Ukraine rất lớn. Vì vậy, nếu căng thẳng kéo dài có thể gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu này trong thời gian tới, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế nước ta", ông nói. 

TS. Nguyễn Bích Lâm nêu ví dụ, trong những năm gần đây, nước ta nhập siêu khoảng 6 tỷ USD đối với mặt hàng xăng dầu. Khi giá xăng dầu tăng cao, giá trị nhập siêu mặt hàng này cũng sẽ tăng.   

Chỉ riêng mặt hàng xăng dầu trong nước bình quân 4 tháng năm 2022, tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tới 1,76 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng đầu năm nay; giá gas trong nước biến động theo giá xăng dầu và giá gas thế giới, bình quân 4 tháng giá gas tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bên cạnh xăng dầu và gas, giá các loại nông sản như: lương thực, bông; thức ăn chăn nuôi; phân bón; kim loại công nghiệp; sắt thép xây dựng tăng cao sẽ tạo áp lực rất lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay của nước ta.

Theo chuyên gia, áp lực lạm phát năm nay của nước ta chịu tác động khá lớn do nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài và lạm phát chi phí đẩy. Giá nhập khẩu một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao như: giá nhập khẩu sắt thép tăng 43,87%; giá xăng dầu tăng 40,44%; giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%. 

Còn theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trong trường hợp giá dầu tăng bình quân 30-40% năm 2022 thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 1-1,2 điểm %, lạm phát tăng lên 0,8-1 điểm %.

Ông nhìn nhận nếu tình hình căng thẳng ở Ukraine dịu lại, lạm phát thế giới sẽ chỉ mang tính tạm thời, không kéo dài đến 3-4 năm.

Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ

Tại cuộc họp gần đây nhất được tổ chức vào ngày 3-4/5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 0,75% đến 1,0%. Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,50% đánh dấu mức tăng mạnh nhất được thực hiện trong một cuộc họp duy nhất kể từ tháng 5/2000.

Các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng gợi ý rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm nay với nỗ lực kiềm chế lạm phát.

 

Các quan chức của Fed cũng quyết định giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed từ tháng 6/2022, bắt đầu với 47,5 tỷ USD mỗi tháng (30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp), sau ba tháng sẽ tăng lên mức 95 tỷ USD mỗi tháng (60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp).

Theo kế hoạch này, Fed có thể thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của mình khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022.

Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của VNDirect cho rằng việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ có 5 tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.  

Thứ nhất, tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn.

Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD) từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Nhiều tổ chức nghiên cứu trên thế giới gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Mỹ, một trong những nguyên nhân chính là vì điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt.

Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu.

Tác động thứ hai, lãi suất huy động (bằng đồng VND) chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Theo ước tính của VNDirect, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn.

Tác động thứ tư là đến thị trường tài chính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị rút ròng trong những tháng tới do ảnh hưởng của “taper tantrum”. Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị trước. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng do Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một tác động nữa, theo VNDirect, là USD mạnh có thể gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Trung Quốc duy trì chính sách Zero-COVID

Việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero-COVID và khả năng nền kinh tế này tăng trưởng thấp ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Tại tọa đàm mới đây,  TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng trọng số của Trung Quốc trong bài toán tăng trưởng của Việt Nam tương đối cao. Ông bày tỏ lo ngại chiến lược Zero-COVID và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Trong khi đó, đánh giá tác động của chính sách Zero-COVID của Trung Quốc đối với Việt Nam, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận sẽ có ảnh hưởng ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, Trung Quốc là nước cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất lớn nhất cho Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng nhập khẩu (2021). Việc gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách phong tỏa từng phần tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nhập nguyên liệu, làm chậm trễ thời gian giao hàng từ đó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất trong nước.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại trong thời gian tới nếu phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc. Đổi lại, mức nền thấp của năm trước và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước, cơ hội thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm vẫn đang là cơ sở để tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu của Chính phủ.

Thứ hai, Việt Nam xuất khẩu khoảng 17% lượng hàng hóa sang Trung Quốc (2021), việc nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn khoảng 4,5% so với mức mục tiêu là 5,5% hàm ý nhu cầu tiêu dùng của thị trường lớn này sẽ suy giảm. Theo đó, VDSC cho rằng sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo.   

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.