|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản, thủy sản và dệt may chưa đạt mục tiêu xuất khẩu

07:10 | 08/10/2016
Chia sẻ
Nông sản, thủy sản, và dệt may - các mặt hàng chủ lực của Việt Nam - 9 tháng đầu năm vẫn chưa đạt mục tiêu xuất khẩu, trong khi chưa đầy vài tháng nữa là hết năm 2016.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm đạt 23,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu 9 tháng ước đạt 3,76 triệu tấn, trị giá 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và 12,5% về giá trị.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,6 triệu tấn.

Trước đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam dựa nhiều vào các thị trường tập trung như Philippines, Indonesia, Malaysia… Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường này đang mất dần đi trong khi nhiều nước xuất khẩu lớn có sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu gạo.

Sự thay đổi rõ nhất có lẽ là ở Malaysia, thay vì nhập khẩu theo các hợp đồng tập trung như trước đây, nước này đã chuyển sang thương mại hóa hoàn toàn hoạt động nhập khẩu gạo, tức là giao hẳn cho các công ty tư nhân làm công việc này.

VFA dự báo, thị trường gạo thế giới cuối năm nay nhìn chung vẫn khá ảm đạm, gạo Việt Nam vẫn phải cạnh tranh rất gay gắt với gạo các nước khác để có được đơn hàng xuất khẩu. Khó khăn cho ngành gạo vẫn còn đến hết năm nay, nhiều khả năng gạo Việt sẽ phải cạnh tranh ngày càng khó khăn, gay gắt hơn trong những năm tới.

Ở ngành hồ tiêu, giá thu mua hạt tiêu đen trong nước tiếp tục đi xuống trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp, thấp hơn khoảng 7.000 đồng/kg so với trung bình tháng trước. Giá tiêu trong nước suy yếu bởi thông tin dự báo sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm tới ở mức cao trong bối cảnh thị trường thế giới ảm đạm.

nong san thuy san va det may chua dat muc tieu xuat khau
Xuất khẩu gạo cả năm 2016 khó đạt mục tiêu 5,4 triệu tấn. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Đối với ngành thủy sản, giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 4,93 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn đánh giá thị trường hai mặt hàng thủy sản (cá tra và tôm) xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh so với tháng trước mặc dù nguồn cung vẫn ở mức thấp. Thị trường tôm nguyên liệu kể từ đầu năm tới nay cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn cung giảm mạnh do điều kiện thời tiết bất lợi. Ngành cá tra dù giá cá có tăng song vẫn chưa đủ bù chi phí

Gần đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 10 (POR10) thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này với mức thuế cao gấp gần 5 lần so với lần thứ 9.

Nhìn chung nông sản và thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang vấp phải các rào cản về chất lượng sản phẩm, các chương trình kiểm tra bắt buộc.

Theo Bộ NN&PTNT, việc xuất khẩu gạo sang Mỹ đã tạm ngừng do một số lô hàng xuất khẩu sang thị trường này bị trả lại vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn tin từ VASEP cho biết, tính đến tháng 9, xuất khẩu cá tra sang ASEAN chững lại do sự cạnh tranh khốc liệt. Tại thị trường Trung Quốc, tuy nhiều tiềm năng, song VASEP khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu thận trọng hơn với thị trường này. Ngược lại, tín hiệu đáng mừng cho ngành cá tra là đã có thêm 2 doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.

Theo tin từ Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện tình trạng khan hiếm các đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Có nơi, lượng đơn hàng mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, quyết định điều chỉnh lương tối thiểu vùng lên 7.3% vào năm 2017 sẽ tiếp tục là gánh nặng cho ngành dệt may khi những khó khăn của ngành chưa được tháo gỡ nên khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ giảm.

Mới đây, Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư bãi bỏ Thông tư 37, quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Ước tính 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu ước đạt 21.11 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ tuy nhiên cũng mới hoàn thành 68% so với kế hoạch đầu năm.

Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may năm nay đạt khoảng 28-29 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước. Như vậy, bình quân 3 tháng cuối năm, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam phải đạt ít nhất 2,5 tỷ USD, tăng 8-10% so với trung bình trong 3 tháng cuối năm 2015.

Hồng Vũ