|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nóng Quốc hội: Thu hồi đất đai - DN phải tự thỏa thuận với dân, chính quyền không thu hồi hộ DN

23:38 | 25/05/2018
Chia sẻ
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến, việc thu hồi đất đai cần thay đổi cả cơ chế lẫn quy định của pháp luật theo hướng doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất cho doanh nghiệp...

Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 25/5 về các vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại (Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận) đã phát biểu nhiều ý kiến về vấn đề đất đai – mà theo ông Cương là một vấn đề “rất nóng và luôn nóng” vì đây là lĩnh vực làm phát sinh nhiều khiếu kiện nhất và cũng thất thoát lớn nhất tài sản quốc gia.

Ông Cương cho hay: “Cũng vì vấn đề đất đai quá nóng, ngay trước khi kỳ họp Quốc hội lần này, không quản cuối tuần, Thủ tướng đã triệu tập và chủ trì họp với các địa phương thường xuyên có khiếu kiện đông người vượt cấp, chỉ ra thực trạng là trong 100 vụ khiếu kiện thì có đến 95 vụ liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng”.

Nóng Quốc hội: Thu hồi đất đai - DN phải tự thỏa thuận với dân, chính quyền không thu hồi hộ DN - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh": Quochoi.vn.

Theo phân tích của ông Cương, chính sách khung giá đất mà các tỉnh, thành công bố hàng năm chỉ bằng 10 – 20% giá thị trường, cộng với việc chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiêp làm hạ tầng, thực tế nhiều nơi chả cần làm gì đã lập bản đồ phân nền bán ra giá gấp hàng chục, hàng trăm lần khiến người dân bức xúc đi khiếu kiện khắp nơi.

“Nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cũng cần nghĩ đến quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi; không giải quyết thoả đáng, đúng mức thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội.

Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, thậm chí đất không thể canh tác được, nhưng sau khi được đền bù thì người dân không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống; chưa kể đến việc tạo kế sinh nhai cho người dân có đất bị thu hồi một cách thực chất”, ông Cương phát biểu.

Theo ông Cương, thu hồi đất không chỉ là một bài toán về phát triển kinh tế mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý xã hội, quản lý dân cư, giải quyết nạn thất nghiệp, phòng, chống tội phạm...

Việc thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng và công trình công cộng là cần thiết và được xã hội đồng tình cao. Nhưng còn thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp thì cần phải thay đổi. Thay đổi cả cơ chế lẫn quy định của pháp luật theo hướng doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất cho doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án phải lấy ý kiến của người dân chứ đừng để tình trạng như ở một số nơi mà khi thu hồi nhà đất người dân vẫn không biết là có dự án.

Chính phủ đã đề xuất sửa đổi Luật Đất đai sau 4 năm thi hành. Việc sửa đổi lần này cần quan tâm giải quyết những vấn đề thu hồi đất với mục tiêu đảm bảo quyền lợi tương xứng và cuộc sống bình thường của người dân và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Cũng theo ông Cương, đất đai là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, vậy mà nhiều năm qua đất công và cả nhà đất công sản luôn là vấn đề nhức nhối. Không ít những vụ việc nhập nhèm biến đất công thành đất tư, mua bán đất công với giá rẻ bị phanh phui ở một số địa phương trong thời gian gần đây. Trong một chương trình bàn tròn trực tuyến do một tờ báo tổ chức vừa qua, các chuyên gia đã cho rằng đây là một tệ nạn và đưa ra những dẫn chứng có những doanh nghiệp bên vực phá sản nhưng được một cơ chế nhờ quan hệ thân hữu với chính quyền và người có chức, có quyền nên được cung cấp một mảnh đất mà không thông qua đấu giá hay phương thức quy trình theo quy định, nhờ vậy mà lại phất lên. Hậu quả là ngân sách bị thất thoát rất lớn.

Ông Cương cũng dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tại Hội nghị tổng kết của ngành tài chính đầu năm 2018 là: Công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, có nhiều thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn có nhóm lợi ích làm phép để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.

Theo ông Cương, một tình trạng đáng lo ngại nữa là tình trạng BT, nói nôm na là đổi đất lấy công trình đang diễn ra ở nhiều địa phương, khiến một lượng đất không nhỏ, trong đó có cả đất công ở những vị trí đắc địa lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp. Lẽ ra các dự án đổi đất này phải mang lại những công trình, giải quyết cho nhu cầu bức thiết của người dân như bệnh viện, trường học hay những công trình phục vụ cộng đồng. Nhưng thật đáng tiếc, hàng năm, hàng ngàn ha đất vàng, đất kim cương của nhà nước và của người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí là cổng chào hay tượng đài. Đất đai của nhà nước và của người dân mất dần đi một cách lo ngại.

“Những vấn đề tôi nêu ra trên đây được báo chí và dư luận nêu ra rất nhiều và khá gay gắt. Tôi chỉ muốn đóng góp một tiếng nói đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế tiến tới ngăn chặn nguy cơ và hậu họa mang lại từ đất. Có như vậy mới tránh được lửa bùng lên từ đất như cách ví von của Thủ tướng Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Nóng Quốc hội: Thu hồi đất đai - DN phải tự thỏa thuận với dân, chính quyền không thu hồi hộ DN - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn đại biểu Bắc Giang) cũng cho rằng, một trong những việc cấp thiết nhất hiện này là làm sao tháo gỡ được nút thắt trong việc xác định giá đất theo giá thị trường là giá nào, đấu giá hay giao thầu làm sao thanh toán theo quy định ngang giá và đấu giá quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 117 Luật Đất đai.

Liên quan tới các vấn đề bất cập về đất đai, đại biểu Trần Đăng Ninh (Đoàn đại biểu Hoà Bình) cũng nêu đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, hài hòa với lợi ích của người dân, nhà đầu tư và nhà nước khi dự án có hiệu quả, người phải tái định cư được hưởng giá trị hiệu quả của dự án mang lại.

Khánh Hà