|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân lo ngại vì giá cao su liên tục rớt dù được mùa

21:00 | 14/06/2018
Chia sẻ
Mùa khai thác mủ cao su năm nay chỉ mới tiến hành được hơn một tháng nhưng giá cả của loại nông sản này hiện rớt liên tục khiến nông dân không khỏi lo ngại.

nong dan lo ngai vi gia cao su lien tuc rot du duoc mua
Loại nông sản từng được ví như vàng trắng này vẫn chưa thể giúp nông dân có được sự yên tâm khi gắn bó. Ảnh: Phú Li

Theo một thông báo phát đi ngày 14-6 của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, hiện giá thu mua mủ cao su tiểu điền của đơn vị này ở mức 255 đồng/độ (mỗi kg mủ nước thường từ 26-42 độ tùy chất lượng thấp hay cao) tại vườn cây và 260 đồng/độ tại nhà máy. Đây là mức giá thấp hơn cả mức đáy của năm 2017 (260-265 đồng/độ).

Thời tiết thuận lợi giúp cho việc khai thác mủ năm nay diễn ra sớm hơn một tháng so với thông thường. Các nông trường quốc doanh đã tiến hành thu hoạch ngay từ tháng 4 trong khi những vườn cao su tiểu điền được nông dân lấy mủ từ tháng 5. Tuy vậy, việc này không mang lại ý nghĩa tích cực nào bởi giá cả đã không như kì vọng. Nếu như vụ mùa 2017 được khởi đầu với mức giá 315-320 đồng/độ thì trong năm 2018 này, mức khởi điểm chỉ là 265-270 đồng/độ.

Từng có thời điểm nông dân đã khấp khởi hy vọng tình hình tốt hơn khi trong tháng 5, giá mủ cao su được điều chỉnh đến 4 lần theo xu hướng tăng dần (mỗi lần tăng 5 đồng) và đạt mức 285-290 đồng/độ vào ngày 27-5. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên xấu đi khi chỉ trong nửa đầu tháng 6, giá cao su đã có đến 5 lần được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Trong đó, ngày 14-6 được xem là đợt giảm khá mạnh, chỉ còn 255-260 đồng/độ (giảm đến 10 đồng so với đợt điều chỉnh ngày 12-6).

Giá cao su tại Việt Nam giảm theo chiều hướng lao dốc của giá cao su trên thị trường quốc tế. Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), hợp đồng cao su kì hạn tháng 11 khi kết thúc phiên giao dịch ngày 14-6 chỉ đạt 181,3 yên Nhật/kg (tương đương 1,64 đô la/kg). Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 18-4. Còn tại Thượng Hải (Trung Quốc), hợp đồng cao su kỳhạn tháng 9 có lúc giảm xuống còn 10.600 nhân dân tệ/tấn (1.655 đô la/tấn), mức thấp nhất kể từ tháng 7-2016.

Nhu cầu giảm và cùng với đó là mức dự trữ tăng lên của các nước tiêu thụ cao su hàng đầu được xem là yếu tố chính tác động đến giá. Ngoài ra, giá dầu giảm, đồng yên Nhật mạnh lên so với đô la Mỹ… cũng khiến giá của loại hàng hóa này chao đảo.

Đối với những nông dân trồng cao su tại Việt Nam, khi giá bán mủ nước đạt từ 300 đồng/độ thì họ mới có được mức lãi để đảm bảo trang trải cuộc sống. Với mức giá hiện tại, những vườn cao su đã khai thác được vài năm thì không đến nỗi nào, bởi sản lượng và độ mủ đã cao. Tuy nhiên, với những vườn non, nếu không khéo điều chỉnh mức đầu tư chăm sóc thì sau khi trừ chi phí, nông dân chỉ cầm chắc lỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, một nông dân ở xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết sau hơn một tháng bán mủ, ông vẫn chưa thu hồi được chi phí đầu tư ban đầu (kiềng, máng che mưa, chén hứng mủ…) cho một ha cao su mới đưa vào khai thác. Dù là vườn non, nhưng ông Quang vẫn khai thác theo chế độ d2 (một ngày nghỉ và một ngày cạo lấy mủ). Trung bình mỗi cữ cạo mủ người nông dân này thu về khoảng hơn 400.000 đồng. Tuy nhiên, ông lại phải trả cho nhân công cạo mủ hết 200.000 đồng, nghĩa là mất một nửa nguồn thu cho công cạo mủ.

Chưa hết, nông dân còn phải tốn chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ông Quang kể rằng trong thời gian tới nếu giá cao su vẫn còn tiếp tục giảm thêm, nhiều khả năng ông sẽ phải ngưng thu hoạch nhằm tránh lỗ lã. Còn nhớ cuối 2015, giá cao su từng có lúc chỉ đạt 190 đồng/độ, đây là mức giá mà ngay cả những nông dân có vườn cao su với sản lượng và độ mủ cao ngất cũng phải kêu trời.

Phú Li

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.