|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nỗi lo bị hạ bậc tín nhiệm của Pháp

06:58 | 29/10/2024
Chia sẻ
Áp lực đang đè nặng lên chính phủ Pháp. Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã trình bày một dự luật tài chính đầy tham vọng, kỳ vọng giảm thâm hụt ngân sách từ 6,1% GDP năm 2024 xuống 5% GDP vào năm tới.

 

Thủ tướng Pháp Michel Barnier. (Ảnh: Florian David).

Theo báo Les Echos, hai tuần sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Rating hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Pháp, đến lượt Moody’s - một hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế khác - công bố giữ xếp hạng nợ của Pháp ở mức “Aa2”.

Tuy nhiên, Moody's đã hạ triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, mở ra khả năng hạ bậc trong những tháng tới. Moody's cho rằng Pháp khó có thể giảm thâm hụt ngân sách xuống 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025.

Trong khi các nghị sỹ trong Quốc hội Pháp đang tranh luận gay gắt về dự luật tài chính năm 2025, thì hình ảnh của đầu tàu kinh tế thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục xấu đi trên trường quốc tế.

Các nhà đầu tư ngoại quốc ngày càng ít phân biệt giữa Pháp và các quốc gia được coi là rủi ro nhất trong Khu vực đồng euro (Eurozone), đặc biệt là Italy.

Bằng chứng là khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp và Italy đang dần bị thu hẹp trong năm nay (nợ càng được coi là rủi ro thì nhà đầu tư càng yêu cầu được trả phí/lợi suất cao), giảm từ khoảng 0,9 điểm phần trăm vào đầu tháng 6/2024 xuống còn 0,7 điểm phần trăm vào đầu tháng 9/2024.

Và hiện tại, trái phiếu BTP (Buono del Tesoro Poliennale) kỳ hạn 10 năm của Italy thậm chí có lợi suất thấp hơn 0,5% so với lợi suất của trái phiếu kho bạc Pháp có cùng kỳ hạn. Đến cuối tháng 9/2024, chi phí các khoản vay kỳ hạn 10 năm của Pháp đã vượt xa Tây Ban Nha.

Ngày 25/10, đúng hai tuần sau khi Fitch bổ sung triển vọng tiêu cực vào xếp hạng tín nhiệm nợ “AA-” đối với Pháp, Moody’s đã đưa ra một cảnh báo bổ sung: cơ quan xếp hạng này giữ nguyên xếp hạng “Aa2” của Pháp, nhưng hạ triển vọng xuống mức “tiêu cực”, như một dự báo cho động thái hạ xếp hạng tín nhiệm trong những tháng tới.

Không thiếu lý do để ủng hộ quan điểm của Moody's. Thông cáo của cơ quan xếp hạng này nhấn mạnh “nguy cơ ngày càng tăng” rằng Pháp sẽ không thể áp dụng các biện pháp cần thiết để giành lại quyền kiểm soát tài chính công.

“Tình hình chính trị ở Pháp là chưa từng có và điều này gây ra mối đe dọa đối với khả năng của các thể chế trong việc giảm thâm hụt ngân sách”, Moody's nhận định và tin rằng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 5% GDP vào năm tới của Thủ tướng Michel Barnier “sẽ không thể đạt được do mức độ hợp nhất mà mục tiêu đó đòi hỏi”.

Theo các công bố, Thủ tướng Barnier muốn giảm thâm hụt ngân sách từ 6% GDP năm nay xuống còn 5% GDP vào năm 2025 và giảm dần xuống 3% GDP vào năm 2029.

Nhưng các quyết định của chính phủ và các cuộc tranh luận diễn ra tại Quốc hội chứng tỏ Pháp không có khả năng giảm chi tiêu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng vừa cảnh báo về nguy cơ trượt dốc ngân sách tại Pháp.

Nếu không có các biện pháp điều chỉnh phù hợp, thâm hụt ngân sách của nước này vẫn sẽ lên tới 5,9% GDP trong năm 2025 và không có hy vọng giảm đáng kể trong những năm tiếp theo.

Sự ngờ vực của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế xảy ra vào thời điểm hình ảnh của Pháp đã xấu đi trên thị trường tài chính trong vài tháng qua. Với việc Quốc hội Pháp bị giải tán vào đầu tháng 6/2024, chênh lệch lợi suất trái phiếu với Đức đã tăng từ 0,5 điểm phần trăm lên 0,75 điểm phần trăm.

Tin xấu về ngân sách nổi lên vào mùa Hè năm nay - với sự trượt dốc mới trong tài khoản công - đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp hiện đang được giao dịch ở mức lợi suất cao hơn của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và đã tiến gần đến mức nguy hiểm của Italy.

Hiện tại, hơn bao giờ hết, áp lực đang đè nặng lên chính phủ của Thủ tướng Barnier. Ông Barnier đã trình bày một dự luật tài chính đầy tham vọng cho năm 2025, được cho là sẽ giảm thâm hụt ngân sách từ 6,1% GDP (dự kiến vào cuối năm 2024) xuống 5% GDP vào năm tới. Đây là mức cao nhất trong quỹ đạo 5 năm nhằm hướng tới mục tiêu thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP vào năm 2029.

Pháp đã có một dấu hiệu tự nguyện và thiện chí gửi đến các đối tác châu Âu và thị trường tài chính. Tuy nhiên, điều này không thể xua đi mọi nghi ngờ. Ngày 23/10 vừa qua, IMF một lần nữa bày tỏ lo ngại về mức trượt dốc nợ công của Pháp, nếu tất cả các biện pháp theo kế hoạch không vượt qua được ải Quốc hội.

Những ngày họp đầu tiên tại Quốc hội Pháp đã cho thấy tình hình bấp bênh của chính phủ. Thủ tướng Barnier không thể làm bất cứ điều gì chống lại sự biểu quyết của cánh tả ủng hộ những sửa đổi nhằm củng cố và kéo dài chính sách thuế “tối thiểu” đối với những người giàu nhất.

Các đại biểu trong phe ủng hộ chính phủ cũng đã không làm gì để thông qua chính sách tăng thuế điện, trì hoãn điều chỉnh lương hưu hoặc giảm các loại thuế phí. Vậy mà chính phủ Pháp đang trông cậy vào hàng tỷ euro mà các cải cách này phải tạo ra, để bù đắp ngân sách thâm hụt trầm trọng của mình.

Hiện tại, những khó khăn ban đầu chưa gây thêm bất ổn nào cho lãi suất vay mượn của Pháp trên thị trường trong những ngày qua.

Cuối cùng, chính phủ của Thủ tướng Barnier vẫn có “cửa thoát” trong việc thông qua văn bản dự luật ngân sách năm 2025 bằng việc viện tới Điều khoản 49.3 của Hiến pháp, theo đó một văn bản lập pháp sẽ có hiệu lực mà không cần phải bỏ phiếu tại Quốc hội.

Sau Moody's, sẽ đến lượt S&P cập nhật xếp hạng tín nhiệm của Pháp vào ngày 29/11, tức là khoảng ba tuần trước khi kết thúc thời hạn quy định cho việc thông qua Dự luật tài chính năm 2025.

Nguyễn Tuyên