'Nỗi khổ' của bất động sản hạng sang
Những ngôi nhà siêu sang ở Khu hành chính đặc biệt này đã mất hơn 1/4 giá trị và dường như đà giảm vẫn tiếp tục.
Bất động sản từng là đắt giá nhất ở Hong Kong đang được “sang tay” với các mức giá giảm mạnh so với giá trị của vài năm trước. Để tồn tại trong bối cảnh khó khăn, nhiều ông trùm bất động sản Trung Quốc đã buộc phải bán tháo những tài sản này. Trong khi đó, các ngân hàng cũng đang tiến hành thu hồi tài sản sau khi những ông trùm này không thể trả nợ.
Giám đốc cấp cao và người đứng đầu bộ phận kinh doanh nhà ở của Savills tại Hong Kong Cherrie Lai cho biết, giá bán trung bình của những ngôi nhà siêu sang, được định nghĩa là những ngôi nhà có giá trị hơn 38 triệu USD, đã giảm hơn 1/4 kể từ giữa năm 2022. Theo bà Cherrie Lai, giá sẽ tiếp tục giảm hơn nữa trong năm nay vì người bán mong muốn thanh khoản nhanh chóng.
Khó khăn trên thị trường bất động sản Hong Kong phản ánh những thách thức từ kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua tình trạng giảm phát, xuất khẩu chậm lại và niềm tin tiêu dùng suy giảm. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do các ông trùm bất động sản lớn của nước này thường là chủ sở hữu của các thương vụ mua sắm bất động sản xa xỉ nhất Hong Kong trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Hong Kong cũng bị siết chặt bởi lộ trình nâng lãi suất ở Mỹ. Giá trị đồng đô la Hong Kong (HKD) được “neo” với giá trị đồng USD. Do đó, Cơ quan Tiền tệ của Hong Kong (HKMA) trên thực tế cũng phải tăng lãi suất.
Tuy nhiên, trái với Hong Kong, thị trường Mỹ lại cho thấy những tín hiệu tích cực hơn nhiều, với doanh số bán nhà ở những nơi như California và Florida tăng vọt. Giá bất động sản sang trọng ở 5% thị trường hàng đầu của Mỹ cũng tăng phi mã trong thập kỷ qua.
Các đại lý bất động sản cho biết những ngôi nhà bị chủ nợ tịch thu tại Hong Kong thường được bán với giá thấp hơn giá thị trường. Bà Victoria Allan, người sáng lập công ty bất động sản Habitat Property, cho biết một trong những bất động sản sang trọng đang được rao bán ở Hong Kong gồm ba dinh thự có liên quan đến công ty bất động sản Evergrande của Trung Quốc.
Khối tài sản này, là những dinh thự liền kề nằm trên con đường sườn đồi được gọi là Black's Link, đã bị các chủ nợ tịch thu. Người sáng lập Allan cho biết, ngôi nhà số 10B đã được bán với giá khoảng 115 triệu USD vào năm 2019, nhưng hiện tại các ngân hàng chỉ định giá ngôi nhà này ở mức khoảng 55 triệu USD và hiện vẫn chưa có người mua. Bà Allan cho biết, hai dinh thự còn lại có thể được rao bán vào tháng tới.
Ông Chen Hongtian, người sáng lập công ty đầu tư bất động sản Cheung Kei Group (Trung Quốc), đã mua một căn hộ cao tầng sang trọng chiếm trọn một tầng trong tòa nhà do kiến trúc sư Frank Gehry thiết kế vào năm 2015, với giá khoảng 49,5 triệu USD. Sau đó căn hộ này đã bị một chủ nợ tịch thu, theo thông tin chính thức.
Vào tháng 9/2023, ông trùm vận tải biển Kwai Sze Hoi đã mua bất động sản này với giá 53,4 triệu USD, thấp hơn mức mà các đại lý bất động sản cho biết là khoảng 87 triệu USD vào thời điểm đó.
Ông Mai Fan, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kaisa - một nhà phát triển đã vỡ nợ khi cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc lan rộng trong những năm gần đây, đã mua lại một ngôi nhà ven sông tại khu dân cư sang trọng Residence Bel-Air.
Thương vụ được thực hiện thông qua một công ty có tên Million Link Development vào năm 2017, thời điểm giá bất động sản vẫn đang tăng cao. Tuy nhiên, theo cơ quan đăng ký đất đai, căn nhà được bán lại vào năm 2022 với giá chỉ khoảng 46 triệu USD.
Theo Savills, trong một trong những thương vụ mua bán có giá trị nhất ở Hong Kong những năm gần đây, một doanh nhân địa phương đã bán căn nhà của mình với giá tương đương khoảng 107 triệu USD vào tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức giá chào bán ban đầu là 166 triệu USD.
Ngôi nhà này nằm trên Đỉnh Victoria của Hong Kong - khu phố trên đỉnh núi với những bất động sản đắt giá nhất thường được các ông trùm kinh doanh và người nổi tiếng “săn lùng”.
Ông Victor Cheng, một nhà môi giới bất động sản ở Hong Kong, cho biết: “Trung Quốc vẫn có những người rất giàu có, nhưng giờ họ là một nhóm khác. Họ không còn là chủ sở hữu bất động sản thành đạt hay những người đã phất lên nhanh chóng khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, mà là những người có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định”.
Ông Victor Cheng cho biết, thế hệ người mua nhà cao cấp mới ở Hong Kong là những người giàu tiền mặt và ít có khả năng mắc nợ. Theo ông, một số chủ nhà ở Trung Quốc đối mặt với áp lực buộc phải bán nhà thường chấp nhận mức giá giao dịch thấp hơn giá thị trường khoảng 20% vì họ cần tiền mặt để trả nợ.
Dữ liệu được công bố bởi thị trường bất động sản trực tuyến Wide.hk cho thấy trong thời gian sắp tới, phân khúc bất động sản hạng sang sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Giám đốc điều hành của Wide.hk James Fisher cho biết, số lượng người hỏi mua những ngôi nhà có giá tương đương 10 triệu USD trở lên đã giảm 45% trong 12 tháng qua. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà giá trị dưới 1,3 triệu USD và những căn có giá từ 1,3-3,2 triệu USD lần lượt giảm 8% và 25%.