|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nỗi khổ 'con lai' officetel

11:24 | 19/09/2018
Chia sẻ
Tại một buổi họp về thị trường bất động sản TP HCM mới đây, vấn đề officetel lại một lần nữa được xới lên, nhưng câu trả lời là tiếp tục chờ đợi. Điều đó làm cho hàng ngàn người dân mua loại căn hộ này tiếp tục rơi vào tâm trạng lo lắng…
noi kho con lai officetel ‘Giải cứu’ condotel, officetel: Vẽ đường hươu chạy?
noi kho con lai officetel Năm 2018 Condotel sôi động trở lại?

Mỏi mòn chờ giấy chủ quyền

Cao ốc The Manor giai đoạn 2 đi vào vận hành gần chục năm qua. Dáng vóc bên ngoài bắt đầu nhuốm màu cũ kỹ, nhưng giấy chủ quyền của hơn 400 căn hộ officetel tiếp tục bị… treo.

Chị N., một cư dân ở đây, ta thán: “Mỗi khi đọc báo nghe nói chưa cấp được giấy loại hình căn hộ này, chúng tôi lại lo lắng. Hỏi tới hỏi lui, chủ đầu tư cũng ậm ờ. Không có sổ, không thế chấp được ngân hàng để vay vốn làm ăn, rồi lại không được cho nhập hộ khẩu”.

Mới đây, cư dân tiếp tục nhận thông báo từ chủ đầu tư là Công ty Bitexco đính kèm văn bản phúc đáp của cơ quan công quyền- Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM.

Theo đó, tháng 4 vừa qua, Văn phòng đăng ký đất đai TP có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn cụ thể để giải quyết cấp giấy chủ quyền đối với các căn hộ officetel, tuy nhiên đến nay chưa có văn bản trả lời.

“Nhận thấy đây là chủ trương chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng trên phạm vi toàn TP HCM, hiện nay Bitexco cũng như các chủ đầu tư khác có sản phẩm là căn hộ officetel đều chưa được cấp giấy chủ quyền. Chúng tôi kính báo đến khách hàng được rõ tình trạng hồ sơ để theo dõi”, bà Trần Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc Chi nhánh TP HCM của Bitexco, trả lời cư dân.

Đại diện Bitexco cho biết, có khoảng 70% hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền của cư dân đã nộp lên TP.

Tuy nhiên, sau khi nhận công văn trả lời của Văn phòng đăng ký đất đai TP thì chủ đầu tư ngưng nhận hồ sơ, chờ thông báo mới từ các cơ quan chức năng.

noi kho con lai officetel
Khu căn hộ The Manor tại quận Bình Thạnh. (Ảnh: Thành Trí)

Cao ốc The Manor giai đoạn 2 là dự án “khai sinh” loại hình căn hộ officetel đầu tiên tại TP HCM. Được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng vào năm 2008, dự án có 611 căn, trong đó có 200 căn hộ ở được cấp giấy chủ quyền, còn lại là loại căn hộ officetel hay còn gọi studio có diện tích từ 35m2, 38m2, 51m2…

Lúc đó, đại diện Sở Xây dựng khẳng định, chủ sở hữu dự án chỉ được cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình, không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho từng căn hộ. Chủ căn hộ chỉ được tạm trú hoặc cho thuê làm văn phòng, chứ không được cấp hộ khẩu để “thường trú”.

Phát sinh tiêu cực

Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến tháng 9-2017, TP HCM có 6.424 căn officetel. Qua nghiên cứu, Hiệp hội bất động sản TP HCM (Horea) nhận định, các dự án officetel vừa có chức năng văn phòng làm việc, vừa có chức năng lưu trú kiểu khách sạn đã đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng trên thực tế đã có một số trường hợp bị biến tướng thành căn hộ nhà ở.

Về căn cứ pháp lý, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, phân tích, Luật Đất đai năm 2013 quy định, dự án officetel thuộc loại hình sử dụng đất phi nông nghiệp “loại đất thương mại, dịch vụ”, được giao đất có thời hạn tối đa 50 năm (tại các khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, tối đa 70 năm); Các chủ đầu tư dự án officetel được quyền cho thuê officetel trong thời hạn được giao đất và khách hàng chỉ được thuê officetel trong thời hạn của dự án theo thỏa thuận với chủ đầu tư.

Nghị định 01/2017 hướng dẫn Luật Đất đai cụ thể hơn: “Trường hợp nhà chung cư có mục đích hỗn hợp, trong đó có một phần diện tích sàn nhà chung cư được sử dụng làm văn phòng, cơ sở thương mại, dịch vụ thì mục đích sử dụng chính của phần diện tích đất xây dựng nhà chung cư được xác định là đất ở”.

Như vậy, trong cùng một tòa nhà chung cư, có khối căn hộ bên trên, một số tầng làm văn phòng, căn hộ dịch vụ, văn phòng lưu trú (officetel), khối đế làm thương mại, dịch vụ... thì chế độ sử dụng đất của toàn bộ tòa nhà chung cư này được áp dụng chế độ sử dụng đất ở (ổn định, lâu dài).

Tuy nhiên, về mặt xây dựng thì chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật loại hình officetel (sảnh, thang máy, hành lang, lối thoát hiểm, chỗ để xe...); chưa có quy định về chỉ tiêu dân số tác động đến hệ thống hạ tầng đô thị; chưa được quy định loại hình sản phẩm bất động sản được kinh doanh trong Luật Kinh doanh bất động sản...

Từ đó nảy sinh một số bất cập về chính sách đối với loại hình officetel. Cùng loại hình nhưng officetel nằm trong cùng tòa nhà chung cư thì được công nhận quyền sử dụng đất ở ổn định, lâu dài; nếu officetel là một tòa nhà độc lập, kể cả có cùng khối đế của toàn bộ dự án thì vẫn phải áp dụng loại đất “thương mại, dịch vụ”, được giao đất có thời hạn 50 năm (hoặc 70 năm).

Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, nhận xét, căn hộ officetel là loại “con lai” giữa căn hộ ở và văn phòng nhưng “ưu thế” lại vượt trội hơn “cha và mẹ”: Diện tích nhỏ 20-40m2 (căn hộ ở phải lớn hơn 45m2); được phép cư trú không hộ khẩu; được phép làm văn phòng (trong khi “căn hộ ở” không được kinh doanh hay làm văn phòng).

Thực tế là, vì không tính chỉ tiêu dân số trong dự án, nên các diện tích thương mại khó kinh doanh sẽ được chủ đầu tư chuyển sang dạng căn hộ officetel để bán nhanh hơn, thu lợi lớn.

Hậu quả là, mỗi chung cư chỉ có vài trăm “căn hộ ở”, nay lại thêm căn hộ officetel nữa dẫn đến tăng số người, số xe, tăng điện nước. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là thiếu chỗ để xe và kẹt xe từ trong dự án đến ngoài cộng đồng.

“Nhà nước cần xem xét lại việc xuất hiện và phát triển căn hộ officetel, vì ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở khu trung tâm, nén chật đô thị, kẹt xe, phá vỡ hạ tầng công cộng”, ông Đực nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nhận xét, officetel ở các nước có nhiều, có tính kinh tế vì người ở địa phương khác đến vừa thuê làm văn phòng (như doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm qua mạng là chủ yếu), vừa ở.

“Vấn đề đặt ra, nếu chưa có tiêu chuẩn diện tích tối thiểu cho một officetel, Bộ Xây dựng phải ban hành tiêu chuẩn tạm thời nhưng đằng này lại không có. Việc Bộ Xây dựng nêu rằng, cấp phép officetel xem xét cho từng dự án, tiêu cực sẽ phát sinh từ đây”, ông Hiệp băn khoăn.

Mới đây, trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên- Môi trường, Hiệp hội bất động sản TP HCM, UBND TP HCM đã có báo cáo kiến nghị Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ và đang chờ ban hành quy định về officetel.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lương Thiện

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.