Nói 'được minh oan', Asanzo tái khởi động kế hoạch khai trương nhà máy công suất gấp 4 lần, dự kiến xuất khẩu
Sáng ngày 17/9, CTCP Tập đoàn Asanzo tổ chức họp báo với tựa đề "Asanzo được minh oan", sự kiện thu hút được đông đảo giới báo chí và truyền thông tham dự.
89 ngày kể từ thông tin Asanzo giả xuất xứ hàng hóa xuất hiện trên báo chí, ông Phạm Văn Tam - sáng lập và là CEO của công ty cho biết đây là những ngày doanh nghiệp đã phải đối mặt với cơn khủng hoảng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Asanzo đình đốn, hệ thống phân phối tê liệt…
Ông Tam liên tục sử dụng những động từ mạnh mẽ như "cơn bão truyền thông", "cơn ác mộng của Asanzo"... để nói về những khó khăn mà công ty gặp phải.
Asanzo nói rằng mình đã được minh oan
Nhưng cho đến hôm nay, ông Tam, đại diện Asanzo gồm luật sư và cố vấn cho biết công ty không sai dựa trên những kết luận của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, ông Tam cũng thông tin rằng các nhà máy của Asanzo đã chính thức sản xuất trở lại. Công ty khởi động kế hoạch khai trương nhà máy mới vào tháng 10, công suất gấp 4 lần nhà máy hiện tại. Một phần sản phẩm được sản xuất ra sẽ được xuất khẩu.
Khẳng định không sai phạm của Asanzo dựa trên ba luận điểm chính, giải thích cho ba vấn đề báo chí đã nêu về công ty này.
Thứ nhất, Asanzo khẳng định không giả xuất xứ hàng hóa
Asanzo cho biết, ngày 1/8/2019, Tổng Cục quản lý thị trường có văn bản gửi văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này Tổng Cục quản lý thị trường không có kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức được giao chức năng cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sau khi xác minh vấn đề này cũng đưa kết luận "sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá "sản xuất tại Việt Nam", hoặc "chế tạo tại Việt Nam", "nước sản xuất Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam"hoặc "sản xuất bởi Việt Nam" là đúng quy định pháp luật".
Đến ngày 4/9/2019, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc theo đó ghi nhận việc ghi xuất xứ các sản phẩm của Asanzo là phù hợp với các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam hiện hành.
Asanzo khẳng định không sai phạm về xuất nhập khẩu
Asanzo dẫn kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan (đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính); đơn vị này trước đó có thông cáo nêu: "Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu, thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hoá tại một tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu".
Và Asanzo khẳng định không lừa dối người tiêu dùng
Xung quanh việc sử dụng slogan "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", Asanzo cho biết có xin phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM và được đồng ý.
Còn đối với thực hư công nghệ Nhật Bản thế nào, Asanzo đưa bằng chứng có hợp tác với Sharp Roxy - là công ty con tại Hồng Kông của Tập đoàn Sharp Nhật Bản.
Công ty Sharp Roxy HongKong cũng có thông báo khẳng định đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực.
Khi được hỏi về việc những kết luận trên của cơ quan chức năng đã đủ cơ sở để Asanzo nói mình được minh oan hay chưa. Luật sư đại diện cho Asanzo trả lời "Không có kết luận nào nói Asanzo sai phạm".
Ông Tam thừa nhận Asanzo quản lý chưa chặt khâu đầu vào
Đối với hoạt động sản xuất, ông Tam cho biết vai trò của Asanzo là xây dựng thương hiệu, quản lý sản phẩm đầu cuối và chăm sóc khách hàng.
Công ty tạo hệ sinh thái cho 100 nhà cung cấp khác nhau. Tuy nhiên trong 5 năm phát triển, ông Tam cũng thừa nhận việc quản lý chưa chặt khâu đầu vào, phát triển quá nóng để một số doanh nghiệp lợi dụng. Người sáng lập Asanzo cho biết sẽ siết chặt khâu quản lý khi doanh nghiệp quay trở lại sản xuất.
Theo kết luận của Tổng cục Hải Quan, từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên "Asanzo", cụ thể:
(1) Công ty CP Công nghệ cao Asanzo, (2) Công ty CP truyền thông và giải trí Asanzo, (3) Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, (4) Công ty CP Đầu tư Công nghệ Điện Tử Asanzo, (5) Công ty CP Viễn thông Asanzo, (6) Công ty CP Đầu tư Asanzo, (7) Công ty CP Điện Tử A Sanzo Việt Nam, (8) Công ty TNHH Đầu Tư Sản Xuất Phương Nguyên Asanzo, (9) Công ty TNHH Truyền thông Asanzo.
Qua kiểm tra, xác minh đã xác định được 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Qua tra cứu trên Cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND Phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng, thông tin cụ thể về tình hình hoạt động của các Công ty như sau:
14 công ty bỏ trốn, 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và 32 công ty đang hoạt động.
Theo thực tế kiểm tra, xác minh tồn tại tình trạng: công ty treo biển nhưng không có hoạt động; địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật; một số Công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên Cổng thông tin chưa cập nhật thông tin; và có tình trạng qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ.