Nở rộ trào lưu livestream tuyển dụng việc làm
Với một chiếc smartphone, Xiao Simu đã đi qua cánh đồng cà rốt rộng lớn ở Shuangliao, một thành phố ở Đông Bắc Trung Quốc. Theo nội dung buổi livestream, hàng chục người lao động đang thu hoạch cà rốt dưới ánh nắng mặt trời. Khi được hỏi giá bán cà rốt, anh Xiao Simu trả lời: "Chúng tôi không bán cà rốt. Chúng tôi chỉ đang thuê người nhổ cà rốt”.
Xiao, người điều hành một công ty tuyển dụng ở tỉnh Cát Lâm, đã bắt đầu tuyển dụng nhân công vào tháng 8 thông qua ứng dụng video ngắn Kuaishou. Anh livestream khoảng 4 tiếng/ngày, quảng cáo các công việc thu hoạch cà rốt, vận chuyển hành lá hoặc chế biến các bộ phận của gà.
Thỉnh thoảng anh sẽ livestream trực tiếp tại các cánh đồng hoặc tại những trang trại nuôi gà. Xiao nói với Rest of World: “Mọi người xem video có thể nhìn thấy môi trường làm việc như thể họ đang đứng ở đó. Họ có thể thấy công việc được thực hiện như thế nào, vì vậy họ sẽ không cảm thấy lạ lẫm hay không vui khi mới đến”.
Livestream trở nên phổ biến ở Trung Quốc như một hình thức giải trí, nhưng trong vài năm qua, nó đã xâm nhập vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày - từ mua sắm đến giáo dục, mai mối và bây giờ là tuyển dụng việc làm. Một số ứng dụng tìm kiếm việc làm và video ngắn đã giới thiệu tính năng phát trực tiếp, hiện đang phổ biến nhất trên thị trường lao động phổ thông, nơi các nhà tuyển dụng cần thuê một số lượng lớn lao động với ít yêu cầu về kinh nghiệm.
Kuaishou, một ứng dụng video giống TikTok phổ biến ở Trung Quốc, đã triển khai Kwai Recruitment, một tính năng đặc biệt dành cho các buổi livestream tuyển dụng, từ tháng 1 và ghi nhận 250 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trong quý II.
Trong các kênh việc làm, những người tuyển dụng livestream để tuyển nhiều công việc khác nhau, từ tài xế giao hàng, người xử lý gói hàng, công nhân trang trại nuôi thỏ và cả người trông trẻ.
Những người livestream tuyển dụng thường chào mời ứng viên bằng những chế độ như thanh toán lương đúng hạn, bao ăn ở,… Họ cũng nêu rõ các hạn chế, chẳng hạn như không ứng tuyển khi ứng viên trên 55 tuổi, không có tiền án, tiền sự hoặc không có hình xăm, tùy theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.
Ứng dụng cho phép người xem đặt câu hỏi trong phần bình luận trực tiếp hoặc gửi số điện thoại di động của họ chỉ bằng một lần nhấn vào một liên kết nổi trên màn hình.
Các bên tuyển dụng trước đây thường tìm kiếm lao động cho các nhà máy và trang trại thông qua các hội chợ việc làm, các trang web tìm kiếm việc làm hoặc các bài đăng trên mạng xã hội. Giờ đây, nhiều đơn vị nhận thấy việc livestream tuyển dụng là một cách rẻ hơn để họ kết nối với những người lao động chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng.
Han Song, một nhà tuyển dụng 33 tuổi kiêm người livestream chuyên về các công việc trong nhà máy điện tử ở trung tâm công nghệ của Thâm Quyến, nói với Rest of World rằng công ty của anh từng chi hàng chục nghìn USD cho quảng cáo việc làm trực tuyến, nhưng việc lievstream trên Douyin và Kuaishou cho phép họ tiếp cận lượng khán giả lớn hơn mà không phải trả thêm phí.
Jiaxi Hou, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, nói với Rest of World rằng Kwai Recruitment có thể mang lại cơ hội việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, sử dụng ứng dụng làm nền tảng kỹ thuật số chính của họ, chẳng hạn như những người đã lớn tuổi, người mù chữ và người nghèo ở các vùng kém phát triển.
Các nguồn cấp dữ liệu phát trực tiếp cũng có thể truyền cảm hứng cho người xem tìm kiếm một số cơ hội việc làm thay thế ngoài sức tưởng tượng ban đầu của họ, nhà nghiên cứu Jiaxi Hou nói.
Các vấn đề đối với hình thức livestream tuyển dụng
Khi việc tuyển dụng thông qua hình thức livestream trở nên phổ biến hơn, các nền tảng video cũng đang gặp phải những vấn đề mà thị trường việc làm ngoại tuyến từ lâu đã phải đối phó, chẳng hạn như lừa đảo, trả lương quá hạn và phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác, giới tính và dân tộc.
Ma Legang, một cựu công nhân nhà máy điện tử 27 tuổi ở Thượng Hải, nói với Rest of World rằng anh ấy đang tìm việc trên Kwai Recruitment, nhưng sẽ cần phải kiểm tra các nhà tuyển dụng trước khi đưa ra quyết định. Anh Ma nói: “Trên internet, mọi thứ chỉ dừng lại ở việc trò chuyện. Bạn không thể tin vào tất cả mọi thứ”.
Người xem khó có thể phân biệt được liệu các cảnh hiển thị trong video livestream có thể hiện chính xác nơi làm việc thực tế hay không. Đã từng có trường hợp một số nhà tuyển dụng đã giả làm công nhân dây chuyền sản xuất, phát trực tiếp trước hàng đống vỏ điện thoại và dây cáp.
Xiao cho biết thay vì chạy theo chỉ tiêu, tuyển dụng ồ ạt, anh đang cố gắng tạo ra những luồng livestream chất lượng, bám sát thực tế nhất có thể. Ví dụ, công nhân thu hoạch cà rốt sẽ được trả 0,6 nhân dân tệ (8,4 cent) cho mỗi mét đất mà họ làm việc, được mua khoai tây và cà tím với giá ưu đãi cũng như sẽ phải sống chung trong một khu nhà.
Anh Xiao cho biết trung bình mỗi ngày nhận được tới hơn 200 đơn đăng ký ứng tuyển. Trong tháng qua, anh đã thuê hơn 50 người thông qua hình thức livestream tuyển dụng.