|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Livestream tìm lao động

10:48 | 11/03/2024
Chia sẻ
Trước giờ "lên sóng" trực tiếp, Thương chỉnh lại bộ đồng phục nhân sự màu xanh, hít thở sâu trấn tĩnh rồi bước vào phiên livestream với nụ cười tươi.

Công việc của cô gái 22 tuổi là thông báo về vị trí cần lao động của Luxshare- ICT, doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Apple. Các nhà máy đóng ở KCN Vân Trung và Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, đang tìm kiếm hơn 2.000 công nhân và hàng trăm lao động kỹ thuật cao trong ba tháng đầu năm 2024. Trên kênh TikTok có hơn 10.000 lượt theo dõi, lượt xem từ vài chục người dần tăng lên hơn trăm người sau 15 phút.

"Nhà máy có tăng ca không, đóng bảo hiểm thế nào?", một người xem bình luận. "Lương cơ bản từ ngày 1/3 đã tăng lên 5,1 triệu đồng, cao hơn lương tối thiểu, khoản phúc lợi dao động 1,3 triệu đồng, nhà máy có tăng ca đảm bảo thu nhập cho các bạn", cô gái nhanh chóng hồi đáp từ phòng livestream ở trụ sở Luxshare- ICT, KCN Vân Trung.

Thương trong một phiên lên sóng trực tiếp đầu tháng 3. (Ảnh: Hồng Chiêu).

20 giây sau, Thương không quên hẹn "mời bạn đến nộp hồ sơ tại cổng A1 Vân Trung, thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Công ty không thu phí tuyển dụng" trước khi chuyển sang bình luận khác. Hàng loạt biểu tượng hình trái tim hiện trên màn hình bày tỏ sự yêu thích của người xem khiến Thương hứng khởi, trả lời bình luận trôi chảy hơn. Hai đồng nghiệp bên cạnh giúp lưu lại các câu hỏi, thông tin cần giải đáp để kiểm soát và không bỏ sót.

Thương là nhân viên thuộc Phòng Nhân sự của doanh nghiệp, được đào tạo tham gia livestream tuyển dụng - hình thức mới mà Luxshare-ICT áp dụng từ đầu tháng 3 nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực lên tới hàng nghìn người.

Sự trở lại dần đều của đơn hàng từ cuối năm 2023 cùng việc mở rộng sản xuất khiến các doanh nghiệp điện tử Bắc Giang cần lượng lớn lao động, khoảng 100.000 người trong năm nay. Việc tìm kiếm hàng nghìn lao động mỗi tháng trở thành áp lực với bộ phận nhân sự của các công ty. Trong khi nguồn cung ứng trên địa bàn Bắc Giang chỉ đáp ứng khoảng 25%, phần còn lại đến từ ngoại tỉnh, buộc họ thay đổi cách tìm kiếm lao động ngoài kênh truyền thống.

"Livestream là hình thức mới được áp dụng dựa trên nghiên cứu của công ty về thói quen sử dụng mạng xã hội như Tiktok, Facebook của người Việt, nhất là thanh niên, sinh viên. Kênh này bên Trung Quốc khá thông dụng tạo hiệu quả cao", ông Đỗ Quân, Giám đốc nhân sự Luxshare- ICT Vân Trung, lý giải.

Báo cáo Những ứng dụng di động phổ biến với người Việt năm 2023 của Q&Me chứng thực rõ hơn cho nhận định của giám đốc nhân sự người Trung Quốc. Cụ thể, người Việt dành trung bình 6,2 giờ mỗi ngày cho smartphone. Trong đó, Facebook, Messenger và TikTok là ba trong số 10 ứng dụng được cài đặt nhiều nhất. Mức độ phổ biến của TikTok tăng lên, thậm chí thời lượng sử dụng còn dài hơn của YouTube. Mạng xã hội vì thế dần trở thành kênh tuyển dụng.

Ông Đỗ Quân cho biết, người lao động sau khi nộp hồ sơ sẽ đến công ty để phỏng vấn trực tiếp. Song tương tác trước qua mạng xã hội là bước khởi đầu để hiểu biết, tạo ấn tượng tốt đẹp về nhau. Trên livestream, người lao động có thể nêu hàng loạt thắc mắc về chế độ của doanh nghiệp, điều mà họ thường ngại ngần không dám hỏi khi trực tiếp đối mặt với nhà tuyển dụng.

 

Những phiên livestream đầu tiên khởi động đầu tháng 3, song việc đào tạo hình thức tuyển dụng mới này được phòng nhân sự công ty chuẩn bị từ cuối năm ngoái. Tháng 11/2023, anh Đoàn Duy Mạnh, Tổ trưởng tuyển dụng Luxshare- ICT Vân Trung, sang Trung Quốc hai tuần trực tiếp tham gia khóa học.

Bốn năm làm tuyển dụng với hàng nghìn lần phỏng vấn trực tiếp ứng viên, Mạnh vẫn hơi "ngợp" khi lần đầu bước vào phòng live. Bởi các thiết bị điện tử phục vụ livestream hiện đại, "đồng nghiệp người Trung phong thái chuyên nghiệp, kiến thức chắc, tương tác với ứng viên không khác gì đang trò chuyện trước mặt".

Trong hai tuần, nhân sự thuộc tổng bộ Trung Quốc hướng dẫn cho Mạnh cách dùng thiết bị phát sóng trực tiếp, quay sửa video, lên hình, kịch bản câu hỏi và nội dung trả lời. Quan trọng nhất là cách tương tác với người xem qua màn hình bởi đây có thể là khâu then chốt "dẫn" lao động mang hồ sơ đến nộp cho công ty.

Phiên đầu tiên lên live, Mạnh hơi run vì ánh đèn phòng phát sóng. Song lượt xem dần tăng từ vài chục người đến hàng trăm giúp anh trấn tĩnh. Các câu hỏi về lương, thưởng, phúc lợi, bảo hiểm, nghỉ phép đều nằm trong tầm hiểu biết. Mạnh chọn bỏ qua khi được hỏi một số vấn đề ngoài lề, đời tư cá nhân - điều mà anh chưa từng gặp phải trong phỏng vấn trực tiếp.

Hết mùa cao điểm tuyển dụng, phòng nhân sự mới có thể thống kê hiệu quả từ hình thức này. Song Mạnh cho rằng livestream đã có sức lan tỏa nhất định khi mỗi lần phát sóng có vài trăm lượt cùng xem, phiên sau cao hơn phiên trước. Tuyển dụng trực tiếp chỉ có thể giải đáp thông tin cho một người, nhưng livestream cả trăm người cùng nghe chỉ với một câu hỏi.

"Người lao động sẽ tìm việc ngày càng nhiều qua mạng xã hội, cách thức tuyển dụng cũng sẽ phải thay đổi dần để bắt kịp với xu hướng", anh nói, cho rằng đây cũng là cách giúp những người phụ trách nhân sự hoàn thiện dần kỹ năng, cách thức "săn" ứng viên chất lượng cho doanh nghiệp. Mỗi cán bộ nhân sự sẽ phải nỗ lực rất nhiều, như anh học được cách nói nhanh, đáp gọn, phát âm chuẩn.

Các lao động Công ty Sunwoda trước giờ vào nhà máy ở Bắc Giang. (Ảnh: Hồng Chiêu).

Không chịu áp lực tìm kiếm hàng nghìn công nhân cùng lúc khi xưởng sản xuất phần lớn tự động hóa, bộ phận nhân sự của Sunwoda, doanh nghiệp chuyên sản xuất pin lithium ion ở KCN Song Khê - Nội Hoàng đã tuyển đủ hơn trăm lao động cho ba tháng đầu năm.

Từ nay đến cuối năm, nhà máy này mở rộng phân xưởng nên sẽ cần thêm hàng trăm công nhân cùng lúc. Vào mùa cao điểm tuyển dụng, bộ phận nhân sự sẽ áp dụng chính sách thưởng qua mạng lưới nội bộ nếu nhân viên trong công ty giới thiệu được lao động vào làm. Tiền thưởng tính vào kỳ lương trong tháng, tùy vào vị trí hoặc trình độ nhân sự mà người đó giới thiệu.

Thu nhập khởi điểm của công nhân mới khoảng 6,5 triệu đồng, chưa tính phúc lợi. Theo ông Marvin Yan, Tổng giám đốc Sunwoda, mặt bằng tiền lương có thể nhỉnh hơn song không thể quá cao với doanh nghiệp cùng lĩnh vực ở quanh khu công nghiệp. Nhà máy vì thế tập trung vào phúc lợi, đào tạo kỹ năng để giữ chân họ trong bối cảnh cạnh tranh lao động và khó tìm kiếm nhân sự có tay nghề.

Lao động muốn vận hành được máy móc tự động hóa cao cần biết ngoại ngữ. Không kể vị trí cán bộ kỹ thuật hay công nhân, mới vào nhà máy sẽ được đào tạo cơ bản về tiếng Trung. Những nhân sự nổi bật về năng lực, hiệu quả công việc có khả năng đảm nhận vị trí chủ chốt được cân nhắc đưa sang Trung Quốc đào tạo chuyên sâu thời gian dài hơn.

"Khi có tay nghề, người lao động có thể giữ vị trí quan trọng. Mục tiêu là đào tạo nguồn lao động chất lượng cao người bản địa tại chỗ, đóng góp cho công ty lâu dài thay vì liên tục tìm kiếm từ bên ngoài", ông Marvin Yan nói. Chính sách có lợi cho cả hai phía, doanh nghiệp có nguồn nhân lực tay nghề gắn bó lâu năm và người lao động có thêm kỹ năng phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, cho biết đầu năm doanh nghiệp ồ ạt tuyển dụng cùng lúc khiến cung không đủ cầu. Nguồn lao động giới thiệu qua trung tâm chỉ đáp ứng một phần, nên ngoài hình thức truyền thống nhiều doanh nghiệp sáng tạo hình thức tuyển dụng mới, hoặc về tận bản làng phía Bắc, miền Trung- khu vực có nguồn lao động đông để tìm người.

Hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch xúc tiến thu hút lao động. Trong quý I, lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức đoàn công tác đi Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La để thống nhất với các tỉnh tổ chức hoạt động thu hút lao động trực tiếp lẫn trực tuyến. Các đợt kế tiếp diễn ra trong năm ở các tỉnh khác. Từ quý II, Bắc Giang sẽ làm việc với các trường đại học, cao đẳng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh làm việc.

Hồng Chiêu