|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp 'hối hả' tuyển lao động khi đơn hàng quay trở lại

11:08 | 05/03/2024
Chia sẻ
Sau giai đoạn gặp khó khăn về đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, hiện nhiều doanh nghiệp không chỉ kín đơn hàng ngay từ đầu năm mới mà còn tích cực tuyển lao động số lượng lớn nhằm đáp ứng tiến độ giao hàng.

Ngay sau Tết Nguyên đán, đơn hàng ở của nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam tăng lên, kéo theo nhu cầu lao động cũng tăng đột biến.

Là công ty đông lao động nhất ở TP HCM, mới đây Công ty Pouyuen có thông tin với cơ quan quản lý về nhu cầu tuyển mới 1.000 lao động.Pouyuen cũng hướng tới đối tượng là những công nhân từng làm đã nghỉ việc và những lao động ngoài 40 tuổi nếu đủ sức khỏe và có tay nghề vẫn được nhà máy tiếp nhận. Đây là đợt tuyển lớn nhất của doanh nghiệp này từ sau nhiều lần cắt giảm gần 10.000 lao động năm 2023.

Không chỉ Pouyuen, nhiều công ty ở lĩnh vực nhà hàng, may mặc phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM ra tận bến xe, nhà ga để giới thiệu, tuyển dụng lao động sau tết.

Chị Đặng Lê Cẩm Nhung, Giám sát tuyển dụng Công ty Takahiro cho hay, nguồn lao động sau tết của công ty bị thiếu hụt rất nhiều do một lượng lớn người lao động cũng chưa bắt đầu quay lại TP HCM làm việc. Vì vậy, doanh nghiệp cần tuyển gấp 300 nhân viên cho chuỗi nhà hàng, với các vị trí từ khối công việc, khối văn phòng (kế toán, thiết kế, marketing, giao nhận hàng…) đến khối nhà hàng (lễ tân, pha chế, tạp vụ, tiếp thực…).

“Mức lương cho các vị trí khá hấp dẫn, từ 8 -10 triệu đồng/tháng hoặc tính theo giờ từ 27.000 - 37.000 đồng/giờ”, chị Nhung thông tin.

Bà Bùi Thúy Lan, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Thiên Mã. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Dù không rầm rộ như phía Nam, song tại miền Bắc, các doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm. Bà Bùi Thúy Lan, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Thiên Mã - một doanh nghiệp trong ngành sản xuất máy nén khí cho biết dù có nhiều khó khăn nhưng trong năm 2024, doanh nghiệp vẫn quyết tâm đạt mức tăng trưởng 30%.

Ngay từ đầu năm, ngoài việc chủ động tìm kiếm các đơn hàng bằng cách mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh tuyển dụng 30 lao động ở nhiều các vị trí (sản xuất, thị trường và kinh doanh) để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Chúng tôi đã đăng thông tin tuyển dụng trên các trang tuyển dụng và các nhóm việc tìm người tại khu vực Đông Anh, Sóc Sơn và Bắc Ninh. Người chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo sau khi trúng tuyển. Bên cạnh đó, có nhiều khoản hỗ trợ hấp dẫn cho lao động mới trong tháng đầu tiên đi làm”, bà Lan Thông tin.

Tương tự, ngay sau Tết, dù 100% cán bộ lao động tại Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng đều đi làm đầy đủ, song do đơn hàng liên tục đổ về và đã lấp đầy đơn hàng đến hết quý 2/2024 nên doanh nghiệp đã phải tuyển thêm khoảng 25 lao động, không yêu cầu độ tuổi, tay nghề.

“Sau khi tuyển dụng, người lao động sẽ đào tạo lý thuyết và thực hành trong một tháng. Nếu đáp ứng được yêu cầu, người lao động sẽ được trả đầy đủ lương thưởng, bảo hiểm xã hội và các chế độ theo quy định”, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc cam kết.

Hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý I/2024, số lao động có việc làm là khoảng 51,7 triệu tăng 217.000 người so với quý IV/2023. Một số ngành dự báo tăng thêm việc làm như sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.

Trong bối cảnh như vậy, Bộ yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực; hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.

Đặc biệt là cần đảm bảo duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ ngay sau Tết. Cùng với đó, cần rà soát, nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sản xuất gỗ…

“Cần có phương án kết nối cung – cầu lao động; kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; gia tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động sớm tìm được việc làm…”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ.

Báo cáo Lương và Thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search công bố từ khảo sát mới đây, cho biết, để thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động hiệu quả trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt được tin tức kinh tế thị trường, xu hướng thị trường tuyển dụng và tâm lý của người lao động nhằm xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động hiệu quả.

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng cơ chế lương - thưởng minh bạch và hấp dẫn; chú trọng vào lương như một yếu tố thu hút ứng viên khi tuyển dụng; đảm bảo các chính sách về lương, thưởng cho nhân viên; tăng/đa dạng thêm các khoản thưởng hoặc tài trợ về tài chính…

Nguyễn Ngọc