Hàng loạt doanh nghiệp tuyển số lượng lớn lao động sau nghỉ Tết
Vĩnh Phúc luôn coi trọng phát triển hạ tầng khu công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ, thân thiện với môi trường. Việc giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn. Do đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh. Sau dịp Tết nguyên đán, hàng loạt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ồ ạt tuyển thêm lao động.
Đi dọc các con đường lớn ở các khu công nghiệp thời điểm này như Khu công nghiệp Khai Quang (Thành phố Vĩnh Yên), Khu công nghiệp Thăng Long - Vĩnh Phúc (Bình Xuyên), Khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên)... có khoảng 25 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng thêm với tổng số từ 5.000-6.000 lao động.
Nhiều doanh nghiệp bên cạnh việc thông báo tuyển dụng còn phân công bảo vệ, cán bộ phụ trách nhân sự trực chờ tại cổng chính của doanh nghiệp để tư vấn, giải đáp, tiếp nhận hồ sơ cho những người đến nộp thủ tục, hồ sơ tìm việc, gúp người lao động có quyền lựa chọn những công việc phù hợp.
Nhu cầu tuyển dụng lao động từ phổ thông đến các vị trí có yêu cầu chuyên môn cao. Điển hình như Công ty TNHH Eo Vina tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, chuyên sản xuất gia công sản phẩm vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác cần tuyển 300 lao động phổ thông với mức thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Vina Korea (Khu Công nghiệp Khai Quang) là doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm may cần tuyển 300 công nhân may với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng, tùy theo vị trí việc làm.
Công ty Honda Việt Nam, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên cần tuyển 100 lao động phổ thông. Công ty TNHH Sekonix Vina, Khu công nghiệp Bá Thiện 2, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên có nhu cầu tuyển dụng 200 lao động. Công ty TNHH Power Logics Vina, Khu công nghiệp Khai Quang cần tuyển 235 công nhân điện tử…
Năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 lao động; trong đó, chủ yếu là lao động ngành điện tử, may mặc, kinh doanh, cơ khí, nhân viên kỹ thuật… Để thu hút lao động vào làm việc, các doanh nghiệp đã tăng cường chính sách đãi ngộ, đăng thông tin trên website, fanpage, tư vấn trực tuyến; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyển dụng lao động. Các ứng viên có thể nộp hồ sơ qua thư điện tử, sau khi kiểm tra, đại diện doanh nghiệp sẽ liên lạc phỏng vấn trực tuyến và chỉ gặp trực tiếp khi có quyết định tuyển dụng...
Vĩnh Phúc xác định đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt là bước đệm quan trong mục tiêu của tỉnh nhằm đưa tỉnh thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thúc đẩy công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỉnh ban hành Nghị quyết về “Một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025”, Nghị quyết hỗ trợ chi phí và vay vốn giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài nước.
Tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm các cấp đến tận xã, phường, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đưa nội dung Nghị quyết và thông tin về dạy nghề, việc làm đến cấp cơ sở và người lao động.
Đồng thời, rà soát, sắp xếp và kiện toàn lại mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn, giải thể cơ sở dạy nghề không hiệu quả và thành lập trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu phục vụ giải quyết việc làm. Trong 5 năm qua, Vĩnh Phúc đầu tư thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh hàng trăm tỷ đồng.