|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nikkei: Việt Nam không nên chủ quan dù tăng trưởng mạnh mẽ

13:33 | 16/10/2017
Chia sẻ
Theo Nikkei, tốc độ tăng trưởng kinh tế đánh bại Trung Quốc và vượt xa các nước láng giềng của Việt Nam không có nghĩa rằng Việt Nam có thể chủ quan.
nikkei viet nam khong nen chu quan du tang truong manh me
Thúc tăng trưởng tín dụng nhằm đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể làm nợ xấu tăng mạnh

Theo Nikkei, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đánh bại Trung Quốc và đang là niềm “ghen tị” của toàn châu Á khi các nước láng giềng đang cố gắng để bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,4%/năm của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng các nhà điều hành Việt Nam có thể yên tâm trước sự tăng trưởng đó.

Bề ngoài, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng ở mức cao như Ấn Độ, Indonesia và Philipines. Có thể kể đến như xuất khẩu trong tháng 8 và tháng 9 tăng hơn 20% so với cùng kì năm ngoái; hoạt động sản xuất cũng tăng gần 13% trong 9 tháng đầu năm 2017. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng lên đến 20% so với năm trước, cùng với đó là cam kết đầu tư nước ngoài tăng 34% sau 9 tháng.

Từ lâu, các nhà quan sát tại Việt Nam đã đưa ra ý kiến rằng tình hình tăng trưởng tín dụng nhanh chóng này có thể làm nền kinh tế Việt Nam thay đổi.

Quan điểm của các nhà đầu tư, kinh tế Việt Nam đang có khuynh hướng biến động mạnh mẽ đi cùng với những lý do chính đáng khi mà Việt Nam có xu hướng tăng trưởng bùng nổ rồi khủng hoảng kinh tế cứ 5 năm một lần – vào các năm 2013, 2007, 2001 và 1997.

Câu hỏi đặt ra là liệu mọi thứ có khác đi ở thời điểm hiện tại hay các nhà đầu tư cần phải chuẩn bị tinh thần cho một chu kì sắp diễn ra?

Đáng lo ngại, trong tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là quyết định cắt giảm lãi suất chính thức đầu tiên trong vòng 3 năm.

Việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn xuống còn 6,25% và lãi suất chiết khấu là 4,25% có thể gây ra những rủi ro tín dụng đối với một quốc gia có tình trạng nợ công nặng nề như Việt Nam.

Lạm phát cũng có thể tăng lên, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng ở mức 2,52% trong tháng 8 và lên đến 3,4% trong tháng 9.

“Xét về dài hạn, tốc độ tăng trưởng tín dụng so với quy mô nền kinh tế của Việt Nam là không bền vững.” Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Gareth Leather của Capital Economic. Bên cạnh đó, ông còn kết luận rằng “rủi ro đang được hình thành” và “chúng tôi đang quan tâm đến sự gia tăng nợ nhanh”.

Việt Nam có thể tránh được những bước tiếp theo có thể tiên đoán được - với một số cải cách cơ cấu nghiêm trọng. Ví dụ, Việt Nam nên dừng việc tập trung duy nhất vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường vào các tổ chức tài chính. Điều đó sẽ giúp các chuyên gia của Việt Nam tin tưởng tự do hóa tài khoản vốn, tăng tính minh bạch, đưa nhà nước ra khỏi khu vực tư nhân, làm cho ngành công nghiệp cạnh tranh hơn…

Những cải cách đó là cần thiết để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vào và làm chậm lại sự biến động của nền kinh tế với những rắc rối có thể xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có xu hướng kiềm chế các nguồn lực được cơ cấu lại khi những cơ hội tốt trở lại - như bây giờ.

Các công ty tại Việt Nam hiện vẫn dựa nhiều vào hoạt động vay ngân hàng. Chính sách tiền tệ dễ dàng hơn sẽ làm cho các doanh nghiệp và cá nhân vay mượn rẻ hơn, kéo theo rủi ro về nợ xấu.

Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp cải tổ ngành ngân hàng. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Công ty quản lý tài sản VAMC để xử lý nợ xấu cho các ngân hàng. 17% dư nợ được cho là dưới tiêu chuẩn ở thời điểm đó, trong khi tỷ lệ công bố chỉ khoảng 3%. Trong tháng 5, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết các ngân hàng Việt Nam “sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong 12-18 tháng tới, và tình hình như vậy vẫn sẽ tiếp tục là gánh nặng tín dụng chính cho ngành này”.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới Jennifer Isern cho rằng, vấn đề quản lý rủi ro nợ xấu tại Việt Nam là thiết yếu, và chìa khóa là “tăng cường các hoạt động cho vay và giám sát tài chính nhằm ngăn ngừa sự tích tụ nợ xấu”.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam lâu nay vẫn đi theo mô hình dẫn đầu về xuất khẩu, phụ thuộc nặng nề vào các dự án khổng lồ của Nhà nước, nhất là về cơ sở hạ tầng. Mặc dù vậy, đã đến lúc Việt Nam nên thử một thứ gì đó khác.

Việt Nam nên hiện đại hóa hệ thống thuế đang có nhiều bất cập, tăng đầu tư vào giáo dục để cải thiện nguồn nhân lực và đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng. Chính phủ Việt Nam cũng cần tăng tốc trong việc tận dụng lợi thế dân số trẻ. Ưu tiên hàng đầu là giảm vai trò của Nhà nước để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Điều đó sẽ làm gia tăng tầng lớp trung lưu, gia tăng nguồn thu về thuế, đồng thời giúp ổn định xã hội và tăng cường sự linh hoạt của nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay là cơ sở để mở rộng việc sở hữu nước ngoài, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, làm việc với Nhật Bản và các nước khác để tiến tới ký kết TPP nhằm đối diện với các thách thức về chiến tranh thương mại.

Chỉ khi có được nền tảng đúng đắn thì Việt Nam mới hy vọng giữ chân được Intel, Samsung, Unilever và lôi kéo các công ty đa quốc gia khác đầu tư cũng như tham gia vào nền kinh tế Việt Nam, để chu kỳ tăng trưởng bùng nổ - khủng hoảng kinh tế không quay trở lại.

Diệu Linh