|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nikkei: Sabeco và Vinamilk đi đầu trong cải cách mô hình quản trị

10:15 | 05/09/2018
Chia sẻ
Sau Vinamilk, Sabeco cũng đã bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập và thành lập Ban kiểm toán. Động thái này của Sabeco là phù hợp với những quy định mới của Luật doanh nghiệp 2014.
nikkei sabeco va vinamilk di dau trong cai cach mo hinh quan tri Đại diện vốn Nhà nước không còn làm kế toán trưởng Sabeco

Theo tờ Nikkei, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) đã trở thành công ty Nhà nước niêm yết thứ hai bổ nhiệm Ủy viên HĐQT độc lập và thành lập một ủy ban kiểm toán kể từ khi Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ năm 2014.

Công ty đi đầu trong hoạt động này CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM), công ty bổ nhiệm các ủy viên HĐQT độc lập và thay Ban Kiểm soát bằng một ủy ban kiểm toán vào năm 2017.

Hai Ủy viên HĐQT độc lập mới của Sabeco là ông Nguyễn Tiến Vỵ và ông Pramoad Phornprapha. Trong đó ông Nguyễn Tiến Vỵ là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam. Ông có bằng Thạc sĩ Luật và từng giữ nhiều vị trí tại Bộ Công thương.

Thành phần của Ủy ban Kiểm toán vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên theo điều lệ công ty, đa số các thành viên của Ủy ban này phải là thành viên độc lập hoặc là ủy viên HĐQT không tham gia điều hành. Ủy ban Kiểm toán sẽ bao gồm ít nhất 3 thành viên, ít nhất một người trong số đó có chuyên môn về kế toán, tài chính hoặc kiểm toán và không làm việc tại Bộ phận kế toán và tài chính của Sabeco. Ủy ban Kiểm toán sẽ do một Ủy viên HĐQT độc lập đứng đầu.

Động thái chuyển đổi sang mô hình quản trị mới của Sabeco diễn ra sau khi ThaiBev thâu tóm công ty đầu đàn trên thị trường đồ uống của Việt Nam này. Hiện ThaiBev đang sở hữu 53% vốn điều lệ của Sabeco sau khi chi 4,8 tỷ USD để mua cổ phiếu SAB trong đợt bán đấu giá hồi tháng 12 năm ngoái. Chủ tịch Sabeco ông Koh Poh Tiong mới đây tuyên bố với cổ đông rằng sự thay đổi này sẽ giúp Sabeco cải thiện năng lực quản trị để lập ra một kế hoạch tăng trưởng tốt hơn.

nikkei sabeco va vinamilk di dau trong cai cach mo hinh quan tri

Tính theo quy mô vốn hóa, Sabeco và Vinamilk là hai công ty có vốn Nhà nước niêm yết lớn vào top đầu của Việt Nam. Hiện nhà nước đang sở hữu 36% vốn điều lệ của mỗi công ty. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, Sabeco và Vinamilk được lựa chọn giữa hai hệ thống quản trị, một hệ thống bao gồm một HĐQT, một Ban Kiểm soát và một Tổng Giám đốc; hệ thống kia thì bao gồm một HĐQT, một TGĐ và một ủy ban kiểm toán độc lập dưới sự quản lý của HĐQT.

Kể từ năm 2015, các công ty niêm yết của Việt Nam đã bắt đầu phải thay ban kiểm soát bằng một ủy ban kiểm toán độc lập và bổ nhiệm thêm các thành viên HĐQT độc lập nhằm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị được áp dụng rộng rãi ở Anh và Mỹ.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) ông Phan Đức Hiếu, mô hình quản trị mới sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và nâng cao khả năng tăng trưởng bền vững của các doanh nghiệp. Mô hình này cũng giúp hạn chế sự lạm dụng quyền lực của HĐQT và bảo vệ quyền và lợi ích của cổ đông.

Nhìn chung các doanh nghiệp Việt còn khá chậm chạp trong việc áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế khi mà mới chỉ có 2 trong tổng số gần 700 doanh nghiệp Nhà nước ứng dụng mô hình này.

Cho dù tính cả các tập đoàn tư nhân lớn có ủy viên HĐQT độc lập và ủy ban kiểm toán như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Mã: NVL), CTCP Cơ điện lạnh (Mã: REE) và CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), số lượng này còn quá ít ỏi so với hơn 700 doanh nghiệp đang niêm yết tại 2 sàn chứng khoán và hơn 770 doanh nghiệp giao dịch tại UPCoM.

Theo CEO của Smart Train ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh – một chuyên gia về kế toán tài chính, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do hệ thống pháp lý thiếu rõ ràng liên quan tới chức năng, quy trình bổ nhiệm và trách nhiệm đối với kiểm toán nội bộ cũng như tình trạng thiếu các kiểm toán viên giỏi.

Tại hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, bộ máy quản lý bao gồm một hội đồng quản trị trong đó không có thành viên độc lập và một ban kiểm soát. Tuy nhiên mô hình này thường bị cho không hiệu quả trong việc ngăn chặn các sai phạm tại nhiều doanh nghiệp nhà nước. Ban Kiểm soát bị đánh giá là tốn kém chi phí và thiếu hiệu quả vì thành viên của ban này chính là nhân viên trong công ty và do vậy không dám có ý kiến phản đối khi HĐQT làm sai.

Xem thêm

Song Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.