Niên vụ cà phê 2016 - 2017 kết thúc với mức thâm hụt 1,2 triệu bao
Giá cà phê tiếp đà giảm kể từ cuối tháng 8 cho tới tuần đầu tiên của tháng 9, đạt 120,71 USD cent /pound vào ngày 6/9. Sau đó, chỉ số giá tổng hợp ICO tăng đến 128,95 USD cent /pound vào ngày 18/ 9. Giá cà phê giảm 2,83 USD cent /pound vào ngày hôm sau trước khi phục hồi ở mức 128,0 USD cent Mỹ /pound vào ngày 20/9. Kết quả, giá cà phê giảm vào 1,5 tuần sau đó với giá giao dịch hàng ngày dừng ở mức 121,40 USD cent /pound vào ngày 28/9. Theo đó, chỉ số giá tổng hợp ICO trung bình giảm 2,9% xuống 124,46 USD cent /pound.
Báo cáo cũng cho thấy, các chỉ số nhóm cho thấy xu hướng giảm trong tháng 9 dù giữa tháng có sự gia tăng nhẹ. Cả ba nhóm cà phê Arabica giảm với mức giá cà phê Arabica trung bình từ Colombia, quốc gia khác và Brazil giảm lần lượt là 2,4%, 2,2% và 1,7%.
So với các nhóm cà phê Arabica, Robusta đã giảm nhiều hơn trong tuần đầu tiên của tháng 9, nhưng không tăng nhiều sau đó. Kết quả là, giá trung bình hàng tháng của nhóm cà phê Robusta giảm 5,1% so với tháng 8. Mức chênh lệch trung bình trong tháng 9 (được xác định trên thị trường New York và London), tăng 7% lên 46,26 USD cent /pound. Trong khi đó, biến động trong ngày của chỉ số giá ICO đã giảm 0,3 điểm % xuống 6,3%.
Sau 2 tháng giảm liên tiếp, xuất khẩu toàn cầu trong tháng 8 duy trì ổn định ở mức 9,9 triệu bao, nhưng giảm 8.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn 11 tháng đầu của năm cà phê 2016 - 2017 đã tăng 5,8% lên 113,3 triệu bao, tương đương tăng 6,2 triệu bao so với cùng kỳ năm 2016 đạt ở mức 107,1 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica trong 11 tháng đầu năm cà phê 2016 - 2017 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 71,7 triệu bao, trong khi xuất khẩu cà phê Robusta tăng 0,8% lên 41,6 triệu bao.
Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2016 - 2017 ước đạt 153,9 triệu bao, tăng 1,5% so với năm 2015 - 2016. Sản lượng cà phê Arabica tăng 10,2% lên 97,3 triệu bao, trong khi cà phê Robustas bị ước giảm 10,6% xuống 56,6 triệu bao.
Tại Brazil, sản lượng cho năm 2016 - 2017 ước đạt 55 triệu bao, tăng 9,2% so với năm trước, nhờ sự phục hồi một phần từ hạn hán trong 2 năm trước, đặc biệt tại các vùng trồng cà phê Arabica. Mặc dù thặng dư xuất khẩu lớn hơn, xuất khẩu từ Brazil trong 11 tháng đầu năm 2016 - 2017 giảm 7,3% xuống 29,3 triệu bao. Dù tiêu dùng nội địa của quốc gia này vẫn ổn định ở mức 20,5 triệu bao, hàng tồn kho của Brazil tăng nhẹ 1,03 triệu bao. Thời tiết khô hạn vào tháng 8/2017 có thể làm giảm năng suất và sản lượng trong năm cà phê 2017 - 2018, đặc biệt đối với cây cà phê mới trồng.
Trong khi đó, sản lượng tại Việt Nam giảm 11,3% xuống còn 25,5 triệu bao vì thời tiết khô hạn từ đầu của năm, sau đó mưa trong quá trình thu hoạch. Vì thặng dư xuất khẩu thấp, xuất khẩu cà phê từ Việt Nam đã giảm 3,4% xuống 23,5 triệu bao trong 11 tháng đầu năm 2016 - 2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng sản xuất của Việt Nam có thể chậm lại trong một vài năm tới vì giá cà phê thấp và cạnh tranh từ các loại cây trồng sinh lợi khác.
Tại Colombi, niên vụ 2016 - 2017 kết thúc với tổng sản lượng là 14,5 triệu bao, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm cà phê 1992 - 1993 và là mùa tăng thứ 5 liên tiếp. Xuất khẩu từ Colombia hồi phục, tăng 9,6% lên 12,4 triệu bao trong 11 tháng đầu năm 2016 - 2017, sau khi giảm mạnh trong vụ mùa trước vì cuộc đình công của những người lái xe tải. Báo cáo dự báo, vụ mùa 2017 - 2018 của Colombia có thể bị ảnh hưởng bởi khả năng diễn ra hiện tượng nước biển lạnh hơn so với bình thường (La Niña) và trời nhiều mây trong giai đoạn cây cà phê ra hoa.
Quay trở lại Đông Nam Á, sau khi tăng 7,9% vào năm 2015 - 2016, sản lượng cà phê của Indonesia đã giảm 6,7% xuống 11.5 triệu bao trong năm 2016 - 2017 do điều kiện thời tiết bất lợi hồi đầu năm. Xuất khẩu từ Indonesia tăng đáng kể trong 11 tháng đầu năm 2016 - 2017, đạt 9,8 triệu bao, tăng 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt ngồn cung các quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất trong mùa vụ này.
Mặc dù sản xuất tăng trong khi tiêu dùng giảm nhẹ, năm cà phê 2016 - 2017 ghi nhận là năm thâm hụt thứ 3 liên tiếp, với mức tiêu thụ vượt sản lượng là 1,2 triệu bao. Tuy nhiên, thị trường vẫn được cung cấp đầy đủ bởi lượng cà phê tồn kho tích lũy trong những năm thặng dư 2012 - 2013 và 2013 - 2014. Dự trự tại các quốc gia nhập khẩu đạt 25,4 triệu bao vào cuối tháng 6/2017, mức cao nhất kể từ tháng 6/2009, giúp bổ sung nguồn cung khi thiếu hụt trong ngắn hạn.